Chuyển đổi số là một quá trình khá là phức tạp với nhiều bước để đồng bộ hóa từ dữ liệu truyền thống lên các máy chủ đám mây vì vậy cần những chỉ dẫn và các giai đoạn chuẩn bị quan trọng cho doanh nghiệp trong bài viết này chúng tôi sẽ chỉ dẫn các giải pháp công nghệ theo lộ trình chuyển đổi số theo hướng dẫn mới nhất 2022 mời các bạn theo dõi nội dung phía dưới.
1. Các giải pháp công nghệ theo từng giai đoạn của lộ trình chuyển đổi số
Lộ trình triển khai các giải pháp công nghệ cho các DNNVV (không bao gồm các DN thuộc Khối Sản xuất) được minh họa theo sơ đồ tại trang 24, trong đó trọng tâm các giải pháp triển khai theo các giai đoạn như sau:
Giai đoạn chuẩn bị
Doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi số
✔ Thực hiện thu thập, phân tích và đánh giá về hiện trạng môi trường, điều kiện của doanh nghiệp theo các góc độ khác nhau: Thị trường, đối thủ cạnh tranh, đối tượng khách hàng, sản phẩm, dịch vụ, kênh bán hàng, các dữ liệu về khách hàng, các nguồn lực thực hiện, hệ thống thông tin, dữ liệu, đội ngũ nhân sự, văn hóa và mô hình quản trị;
✔ Thực hiện phân tích và xác định những cơ hội, thách thức khi chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ, số hóa các đối tượng và các quy trình, các điểm mạnh – điểm yếu để thực hiện điều này;
✔ Thiết lập các mục tiêu, lộ trình cụ thể và chuẩn bị các nguồn lực: Mục tiêu về tập khách hàng, doanh số, doanh thu, sản phẩm, dịch vụ, kênh bán hàng, v.v. mức độ số hóa, mức độ tự động hóa các đối tượng và qui trình vận hành v.v. và dự kiến hệ quả tạo ra năng lực cạnh tranh mới
Giai đoạn 1
✔ Tập trung vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, mở rộng thị trường, tập khách hàng, tăng trưởng doanh thu. Trọng tâm đầu tư các hệ thống TMĐT, Tổng Đài và giải pháp Quản trị QHKH (CRM), tiếp thị trực tuyến;
✔ Doanh nghiệp đồng thời triển khai các giải pháp cơ bản, đáp ứng các hoạt động quản trị hoặc theo yêu cầu của nhà nước với các nghiệp vụ đơn giản như Kế toán, khai báo bảo hiểm, khai báo thuế trực tuyến, hóa đơn điện tử.
Giai đoạn 2
✔ Sau bước 1 (chuẩn bị về mô hình quản trị, nhân sự), Bước triển khai sẽ tập trung vào việc chuyển đổi mô hình vận hành và môi trường làm việc, tối ưu, nâng cao năng lực quản trị; Trọng tâm tập trung vào hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP (bao gồm việc kết nối chuỗi cung ứng), hệ thống quản trị nhân sự (HRM/HCM), chấm công, tính lương, quản trị kế hoạch, quản trị công việc, báo cáo;
✔ Doanh nghiệp đồng thời triển khai một số nghiệp vụ về bán hàng, tiếp thị, đặc biệt tối ưu tìm kiếm và các hệ thống báo cáo quản trị cho hoạt động bán hàng.
Giai đoạn 3
✔ Tập trung vào việc kết nối các hệ thống kinh doanh và vận hành; Tập trung dữ liệu, triển khai các hoạt động phân tích, nâng cấp các hệ thống quan trọng đã triển khai ở mức đơn giản tại giai đoạn 1 (hệ thống CRM – nâng cấp chức năng marketing, các chức năng tự động hóa, Website Thương mại điện tử chuyên nghiệp, triển khai mô hình kinh doanh kết hợp trực tuyến và các kênh vật lý (O2O – “online to offline”), hệ thống tổng đài / trung tâm liên lạc khách hàng) và tối ưu hoạt động kinh doanh, vận hành nội bộ;
✔ Đồng thời, tùy từng điều kiện khác nhau, doanh nghiệp có thể đầu tư, triển khai các hệ thống CNTT chuyên sâu giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, an toàn, an ninh bảo mật và văn hóa doanh nghiệp như các hệ thống Loyalty (quản lý khách hàng thân thiết), các hệ thống chuyên sâu ứng dụng các công nghệ cao như IoT, chuỗi khối, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, hệ thống mạng xã hội nội bộ, ứng dụng di động cho nhân viên v.v.
Tham khảo chi phí triển khai các giải pháp quan trọng theo từng giai đoạn của lộ trình
►Giai đoạn 1:
• Chi phí cho các sàn TMĐT: 5% – 10% doanh thu, một số các sàn hiện nay
hạn chế hoặc không thu phí, thay vì đó, họ thu phí từ các dịch vụ quảng bá,
quảng cáo trên sàn;
• Chi phí Quảng cáo: 10% ~ 35% doanh thu;
• Chi phí Thanh toán: 1% – 2%;
• Chi phí Giao nhận: 15.000 ~ 50.000 VNĐ/ đơn hàng;
• Chi phí Giải pháp (thuê, nhà cung cấp Việt Nam):
Giải pháp Quản lý bán hàng: từ 01 triệu/ năm ~ 10 triệu/năm;
Giải pháp CRM: từ 05 triệu/ năm ~ 20 triệu/ năm;
• Chi phí Giải pháp (mua, nhà cung cấp Việt Nam):
Quản lý bán hàng, Website TMĐT nhỏ: từ 50 triệu tới 300 triệu/ dự án;
Giải pháp CRM bán hàng, CSKH: từ 300 triệu tới 800 triệu/ dự án;
►Giai đoạn 2:
• Chi phí phần mềm ERP :
ERP qui mô nhỏ (thuê): 30 triệu/ năm ~ 60 triệu/ năm;
ERP qui mô vừa (mua): 300 triệu ~ 1,5 tỷ/ dự án;
ERP qui mô vừa, nước ngoài (mua): 800 triệu ~ 2,5 tỷ/ dự án;
• Chi phí phần mềm quản trị Kênh PP (VN): ~ 300.000 VNĐ /nhân viên/ năm;
• Chi phí phần mềm VPĐT: 300.000/ nhân viên/ năm (thuê); 100 triệu ~ 500
triệu/ dự án (mua);
• Chi phí bảo mật (mức đơn giản):
Antivirus: 200.000 VNĐ/ người/ năm;
Chữ ký số: 800.000 ~ 1.500.000 VNĐ/ chữ ký/ năm;
Chứng thư số: 3 triệu ~ 20 triệu/ năm;
►Giai đoạn 3:
• Chi phí tích hợp hệ thống: Đa dạng, theo thực tế và báo giá;
• Hệ thống CRM cao cấp (nâng cấp): 5 triệu ~ 10 triệu/ người/ năm (không
bao gồm chức năng marketing);
• Hệ thống Website TMĐT (nâng cấp): 500 triệu ~ 1.5 tỷ/ dự án;
• Chi phí các phần mềm báo cáo thông minh:
Mã nguồn mở: 300 triệu ~ 500 triệu triển khai;
Mã đóng (thuê): 7 triệu/ người/ năm ~ 150 triệu/ hệ thống/ năm;
Mã đóng (mua): 500 triệu ~ 1 tỷ/ dự án;
• Chi phí các phần mềm chuyên sâu: Đa dạng, theo thực tế và báo giá.
Đánh giá mức độ sẵn sàng trên thị trường của các nhóm giải pháp
Các nhà cung cấp tiêu biểu trên thị trường
Đánh giá tổng quan ưu, nhược điểm và khuyến nghị sử dụng các giải pháp của các nhà cung cấp trong nước, quốc tế
Các giải pháp công nghệ đề xuất theo từng giai đoạn của lộ trình chuyển đổi số liên quan sâu đến đặc thù ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo:
Có 3 con đường phát triển chính của các ngành sản xuất: Con đường thống trị trong những năm trước đây là tự động hoá công nghiệp với đặc trưng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và lợi nhuận biên cao, nhưng thâm dụng vốn lớn, dựa vào mức độ tự động hoá cao, máy móc hiện đại; Con đường khác đã lỗi thời là dựa vào sản xuất thâm dụng lao động, sử dụng phương tiện sản xuất lạc hậu để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng trung bình hoặc thấp, lợi nhuận biên thấp; Con đường thứ ba, rất tiên tiến là xu thế đương đại – chuyển đổi số công nghiệp theo hướng công nghiệp 4.0 với các đặc trưng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao và lợi nhuận biên cao, sản xuất linh hoạt và thu nhập trên vốn sử dụng cao.
Thực hiện chuyển đổi số công nghiệp, hay thực hành công nghiệp 4.0 cần nhận diện những khác biệt lớn so với sản xuất truyền thống: Quy trình sản xuất – chuyển từ cứng nhắc và thủ công sang mau lẹ và tự động, Sản phẩm – chuyển từ tiêu chuẩn hoá sang cá nhân hoá và tuỳ biến; qui mô nhà máy – nhà máy lớn ở các vị trí tập trung sang các nhà máy nhỏ ở các vị trí phi tập trung; chuỗi cung ứng – chuyển từ lập kế hoạch dựa trên cất trữ sẵn sang động và có tính dự báo; thước đo thành công – chuyển từ chi phí thấp, hiệu suất cao sang tỷ lệ thu nhập trên vốn sử dụng cao; quan hệ khách hàng – chuyển từ thấp và gián tiếp sang cao và trực tiếp.
Các doanh nghiệp sản xuất cần tận dụng tính hiệu quả về quy mô bên trong, trong khi có thể tranh thủ tính tuỳ biến cao bên ngoài để phục vụ các khách hàng số tốt hơn. Lộ trình chuyển đổi số cho các DNNVV ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam được thiết kế có tính đến đặc thù của các DNNVV Việt Nam (phân tích SWOT); khi hấp thụ làn sóng thứ 6 của các tiến bộ công nghệ bao gồm thiết kế tổng thể hệ thống (Whole-system-Design) và sản xuất vòng kín (Closed-Loop Manufacturing); mô hình nhà máy thông minh và doanh nghiệp số; khung thông minh và mô hình tham chiếu cho các ngành chế biến, chế tạo; một số gợi ý trong “Giải phóng tiềm năng công nghiệp 4.0 cho các quốc gia đang phát triển”; sự chín muồi của các công nghệ và Ma trận ưu tiên đối với chiến lược các hoạt động sản xuất (Báo cáo của Gartner, 2020). Các giải pháp và công nghệ ưu tiên lựa chọn định hướng cho các DNNVV Việt Nam là những cái tên đã và đang nằm ở vùng đi vào hiệu quả thực tế.
Giai đoạn chuẩn bị
Xác định tầm nhìn chiến lược
Doanh nghiệp chếbiến, chếtạo Việt Nam xây dựng chiến lược chuyển đổi số nhắm vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, tính bền vững và khả năng phục hồi, loại bỏ lãng phí, tối ưu chi phí và từng bước tạo giá trị gia tăng, hướng đến tạo giá trị mới.
Các DNNVV cần xác định hướng đi phù hợp cho đặc thù sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp mình, trong thời đại kinh tế số, tận dụng được làn sóng và hiệu ứng lan toả của dòng thác cách mạng công nghiệp và xu hướng chuyển đổi số công nghiệp và kinh tế – xã hội.
Với một quốc gia đang phát triển, đi sau về công nghiệp, mục tiêu trước mắt là gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từng bước mở rộng tiến về thượng nguồn – sản xuất các vật tư, nguyên liệu đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu và tăng tính tự chủ khi gián đoạn bất thường. Từng mở rộng, xuôi về hạ nguồn, có thể xây dựng một số doanh nghiệp lớn mạnh, có sản phẩm cuối và/hoặc dẫn đầu chuỗi. Tận dụng ngoại lực từ các tập đoàn, công ty quốc tế, các công ty FDI để nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, từng bước thích ứng với hệ thống, văn hoá, chuẩn mực kinh doanh quốc tế.
Với từng doanh nghiệp tuỳ vào đặc thù và điều kiện cụ thể của mình, đưa vào chiến lược phát triển các hoạt động thay đổi và chuyển đổi, tuần tự, song song hoặc kết hợp:
✔ Hiện đại hoá các hoạt động của doanh nghiệp. Tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thêm giá trị.
✔ Áp dụng triết lí công nghiệp 4.0, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, sáng tạo các giá trị mới. Đồng thời mở rộng về 2 phía của đường cong cười, bao gồm bổ sung vào các hoạt động sản xuất cốt lõi đang có của doanh nghiệp: đi ngược lên hướng nghiên cứu phát triển và/hoặc đi xuôi về phía dịch vụ. Nhiều nghiên cứu cho thấy sản xuất thường là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị hàng hoá: Nghiên cứu phát triển – Thiết kế – Hậu cần nhập – Chế biến, chế tạo – Hậu cần xuất – Tiếp thị – Dịch vụ/ Hậu mãi. Việc mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp về 2 phía của đường cong cười, trong khung cảnh ra đời và dần chín muồi của nhiều công nghệ, giải pháp số – cho phép thực hiện các hoạt động R&D tốn kém trước đây – vốn là lợi thế của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn.
Tạo quan hệ gần gũi với nhà cung cấp và khách hàng
Tập trung nâng cao hiệu quả quản trị và cân đối vào – ra (vật tư – sản phẩm), hàng – tiền. Quản trị kho, Quản trị quan hệ khách hàng. Hỗtrợ ngay cho hoạt động sản xuất và đem lại hiệu quả sớm.
Giai đoạn 2
Gia tăng hiệu suất vận hành tự thân
Ưu tiên loại bỏ các lãng phí nhờ giám sát hiệu suất tổng thể thiết bị; giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, sinh ra giá trị mới nhờ ảo hoá bước đầu đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm.
Giai đoạn 3
Gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm
Chú trọng giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tạo thêm giá trị mới, tăng cường trải nghiệm khách hàng, từng bước hiện thực hóa tùy biến đại trà. 🡺 Đáp ứng nhu cầu tham gia vào chuỗi: minh bạch, tốc độ, chất lượng, chủ động thích nghi với thay đổi của hệ thống, kích hoạt bởi doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi và/ hoặc môi trường bên ngoài.
Một số lưu ý:
Về phân tích thị trường cho các giải pháp số hoá và quản trị chung cho các DNNVV xin tham khảo các phần trước, mà không nhắc lại ở đây.
Các giải pháp số và phần mềm chuyên cho chế biến,chế tạo được đề xuất ở trên chủ yếu đều do các doanh nghiệp lớn của nước ngoài sản xuất.
Các nhà cung cấp quốc tế chính hoạt động mạnh tại thị trường Việt Nam gồm có: Altair Engineering, Ansys, Dassault Systerm, Siemens, AutoDesk, ANSYS, v.v.
Các doanh nghiệp trong nước tham gia đại lí, phân phối, đào tạo và chuyển giao cho các hãng này có các công ty tiêu biểu như: UPVIET, Vietbay, SDE, Hitachi Sunway, v.v. Sự hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ là điểm mạnh của các công ty trong nước. Cơ bản các công ty này đều có dịch vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ cho khách hàng.
Trong đó, Vietbay, SDE, Hitachi Sunway, v.v. tập trung nhiều vào cung cấp giải pháp CAD/CAM/CAE/PLM. Công ty UPVIET, ngoài việc cung cấp khá lâu năm các giải pháp CAD/CAM/CAE còn cung cấp máy gia công và các thiết bị đo lường. UPVIET đã chuyển giao được một số giải pháp cho các trung tâm đào tạo, R&D cho các đơn vị nghiên cứu,đào tạo và công ty, tập đoàn sản xuất có tiếng trong nước.
Đáng lưu ý Vietbay là đối tác vàng đầu tiên của Siemens PLM Solution tại Việt Nam, có triển khai trung tâm đào tạo uỷ quyền duy nhất hiện tại, cho phép trải nghiệm trên các hệ thống có bản quyền: các giải pháp thiết kế và phát triển sản phẩm, hệ thống PLM. Vietbay cung cấp các giải pháp chuyển đổi số công nghiệp, mô hình nhà máy thông minh của Siemens. Công ty này đồng thời cung cấp các hệ thống Digital Workplace của Microsoft.
Khi lựa chọn giải pháp và đối tác công nghệ, cần hợp tác với các chuyên gia tư vấn, xem xét tính mở, tính tương thích chéo, tính sẵn sàng kết nối/ chia sẻ, khả năng hỗ trợ đào tạo, triển khai và khả năng sẵn sàng tích hợp xuyên suốt trong doanh nghiệp số tương lai, hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi.
Các chuyên gia và hệ thống tư vấn cần luôn có tầm nhìn xa, phối hợp hài hoà giữa bám sát các tiêu chuẩn mới phát triển của các tổ chức quốc tế, định hình thị trường của các công ty quốc tế dẫn đầu về giải pháp số hoá công nghiệp, với thực tế cần lựa chọn các giải pháp, các mô đun phù hợp, về qui mô sử dụng và tính hiệu quả kinh tế, nhưng không xâm phạm tính mở và sẵn sàng kết nối trong tương lai. Danh mục các giải pháp và công nghệ tham khảo sẽ được cập nhật thường xuyên. Trong một số lĩnh vực sản xuất sản phẩm có yêu cầu cao, đòi hỏi tương thích nhiều hệ thống tiêu chuẩn quốc tế phức tạp, việc doanh nghiệp sử dụng giải pháp nào, hệ thống phần mềm nào cũng có thể là bảo chứng để đấu thầu hoặc bắt tay được với các đối tác dẫn đầu chuỗi giá trị.
Bài viết được trích từ Phần III của eBook Hướng Dẫn Chuyển Đổi Số Cho Doanh Nghiệp Tại Việt Nam do Bộ Kế Hoạch Đầu Tư và USAID biên soạn, các bạn có thể xem các Phần khác ở các link dưới đây:
- Phần I: Chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam
- Phần II: Định nghĩa và các khái niệm chuyển đổi số cho doanh nghiệp
- Phần III: Lộ trình chuyển đổi số phổ biến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Phần IV: Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Phần V: Chỉ dẫn các giải pháp công nghệ theo lộ trình chuyển đổi số
- Phần VI: Các câu hỏi thường gặp