chi-so-roas-la-gi-cover

Chỉ số ROAS là gì? 4 yếu tố ảnh hưởng đến ROAS của bạn

Được mệnh danh là “vua” của các số liệu tiếp thị kỹ thuật số, ROAS đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực Marketing. Vậy chính xác chỉ số ROAS là gì? Làm thế nào tính chỉ số ROAS? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chỉ số ROAS? Mời bạn cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về ROAS qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Chỉ số ROAS là gì?

Theo bài viết: What Is ROAS, and How to Calculate It? The ROAS Formula trên trang Madgicx, chỉ số ROAS (viết tắt của Return on Ad SpendLợi nhuận chi tiêu quảng cáo) là thước đo cho biết bạn đã kiếm được bao nhiêu tiền từ mỗi đồng bỏ ra cho quảng cáo. Giống như một “chiếc la bàn”, ROAS giúp bạn xác định đâu là chiến dịch quảng cáo hiệu quả và đâu là điểm cần cải thiện.

khai-niem-chi-so-roas
Khái niệm chỉ số ROAS

Thông qua chỉ số ROAS, bạn có thể:

  • Đánh giá hiệu quả quảng cáo: So sánh doanh thu với chi phí để xem chiến dịch có thành công không.
  • Tối ưu hóa ngân sách: Chọn lọc những kênh quảng cáo hiệu quả nhất để dùng tiền đúng chỗ.
  • Hiểu rõ khách hàng: Phân tích chiến dịch thành công giúp hiểu rõ khách hàng thích gì, cần gì.

Tóm lại, ROAS không chỉ là một con số mà là thước đo thành công của chiến dịch quảng cáo và là kim chỉ nam cho các chiến lược tiếp theo.

Tại sao chỉ số ROAS lại quan trọng?

ROAS là một chỉ số quan trọng trong Marketing. Thông qua ROAS, bạn có thể trả lời câu hỏi cơ bản: “Chiến dịch Marketing của tôi có hoạt động hiệu quả không?”. Chỉ số này là công cụ giúp doanh nghiệp biết mình nên đầu tư vào đâu và cắt giảm ở đâu. Ví dụ, nếu một chiến dịch tạo ra những khách hàng chất lượng, tạo ra doanh thu đáng kể nhưng lại tiêu tốn nhiều hơn số tiền thu được, thì rõ ràng, chiến dịch đó không thành công. Và chính chỉ số ROAS là công cụ giúp bạn xác định điều này.

Bạn có thể xem xét ROAS ở nhiều cấp độ khác nhau, từ tổng quan ngân sách quảng cáo, chiến dịch cụ thể trên từng nền tảng, cho đến từng chiến dịch nhỏ, nhóm quảng cáo, quảng cáo và thậm chí là từng mẫu quảng cáo để có những cái nhìn sâu hơn.

Thậm chí, một phần rất nhỏ của chỉ số ROAS cũng mang lại giá trị cho doanh nghiệp, nhất là khi chúng được sử dụng để phân tích dự đoán. Ví dụ, nếu bạn phát hiện những khách hàng tạo ra 50% hoặc hơn chi phí trong ngày thứ 3 có khả năng trở thành khách hàng sinh lợi trong ngày thứ 30, bạn có thể sử dụng thông tin này để cắt bỏ những nhóm quảng cáo kém hiệu quả để đảm bảo ROAS luôn dương.

Tuy nhiên, dù là một chỉ số hữu ích, ROAS cũng không thể cung cấp một bức tranh toàn diện. Vì vậy, để xác định hiệu suất chính xác, bạn cần xem xét các chỉ số khác, như CPA (Chi phí mỗi khách hàng), ARPU (Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) và LTV (Giá trị trọn đời của khách hàng).

Tất cả các chỉ số này kết hợp với nhau sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn về ngân sách trong tương lai, chiến lược Marketing và thậm chí là cả lộ trình sản phẩm của mình.

Công thức tính chỉ số ROAS

ROAS = Doanh thu từ quảng cáo / Chi phí quảng cáo.

Ví dụ:

Giả sử, bạn điều hành một cửa hàng giày trực tuyến tại Việt Nam. Gần đây, bạn đã chi 23 triệu VNĐ cho một chiến dịch quảng cáo trên Facebook. Trong suốt chiến dịch, bạn theo dõi và thấy rằng doanh thu thu về từ chiến dịch này là 115 triệu VNĐ. Để tính ROAS cho chiến dịch này, bạn sẽ chia doanh thu cho chi phí:

ROAS = 115.000.000 VNĐ (Doanh thu) / 23.000.000 VNĐ = 5

Vậy, chỉ số ROAS của chiến dịch này là 5. Điều này có nghĩa là cứ mỗi đồng bạn chi tiêu cho chiến dịch quảng cáo này, bạn thu về được 5 đồng.

Chỉ số ROAS giúp bạn đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Nếu thấy ROAS giảm dần theo thời gian, bạn cần xem xét lại và điều chỉnh chiến lược marketing để đảm bảo ngân sách quảng cáo được sử dụng hiệu quả nhất.

cong-thuc-tinh-chi-so-roas
Công thức tính chỉ số ROAS

Chỉ số ROAS bao nhiêu là tốt?

Một chỉ số ROAS phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như biên lợi nhuận, chi phí hoạt động và sức khoẻ tổng thể của doanh nghiệp. Vì vậy, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “Chỉ số ROAS bao nhiêu là tốt?”. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung của chỉ số ROAS thương được chấp nhận là tỷ lệ 4:1, tức là 4 đồng doanh thu/mỗi 1 đồng chi cho quảng cáo.

Tuy nhiên, nhu cầu về ROAS có thể khác nhau giữa các doanh nghiệp:

  • Doanh nghiệp mới khởi nghiệp cần biên lợi nhuận cao hơn: Những doanh nghiệp này có thể cần ROAS cao hơn để đảm bảo lợi nhuận, chẳng hạn như 10:1.
  • Các cửa hàng trực tuyến cam kết tăng trưởng: Những doanh nghiệp này có thể chịu được chi phí quảng cáo cao hơn và có thể phát triển mạnh với ROAS chỉ 3:1.

Doanh nghiệp chỉ có thể đánh giá mục tiêu ROAS khi đã xác định được ngân sách và nắm rõ biên lợi nhuận của mình. Một biên lợi nhuận lớn có nghĩa là doanh nghiệp có thể tồn tại với ROAS thấp; ngược lại, biên lợi nhuận nhỏ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải duy trì chi phí quảng cáo thấp.

Ví dụ, một cửa hàng thương mại điện tử với biên lợi nhuận nhỏ cần đạt được ROAS tương đối cao để đạt được lợi nhuận. Điều này cho thấy không có một con số ROAS cố định là “tốt” cho mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, chỉ số ROAS phụ thuộc vào hoàn cảnh và chiến lược kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp.

4 yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số ROAS

Để tối ưu hoá chỉ số ROAS, bạn cần hiểu rõ và điều chỉnh 4 yếu tố liên quan sao cho phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình

Quảng cáo và nội dung sáng tạo

Quảng cáo của bạn càng hấp dẫn và chuyên nghiệp, người dùng càng có khả năng tương tác, mua hàng. Hình ảnh đẹp, video thu hút và nội dung thuyết phục là chìa khóa để tăng hiệu quả quảng cáo và cải thiện ROAS.
Ví dụ: Một cửa hàng thời trang trực tuyến ở Việt Nam tạo ra các quảng cáo với hình ảnh sắc nét, video trình diễn sản phẩm hấp dẫn và mô tả chi tiết về chất liệu, kích thước và phong cách của từng sản phẩm. Họ hợp tác các influencer nổi tiếng để thu hút thêm sự chú ý. Kết quả là, chiến dịch quảng cáo của họ không chỉ tăng tỷ lệ nhấp chuột (CTR) mà còn tạo ra nhiều đơn hàng hơn, cải thiện đáng kể ROAS.

Đối tượng mục tiêu

Nhắm đúng đối tượng là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn quảng cáo đúng đối tượng, họ sẽ dễ dàng chuyển đổi hơn. Ví dụ, quảng cáo gậy golf cho những người yêu thích golf sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với quảng cáo cho những người không quan tâm đến môn thể thao này.
Ví dụ: Một công ty bán thiết bị thể thao nhận ra quảng cáo của họ không hiệu quả vì họ đang nhắm đến đối tượng quá rộng. Sau khi phân tích, họ xác định được nhóm khách hàng chính của mình là nam giới trong độ tuổi 25-45, yêu thích golf. Họ điều chỉnh lại chiến lược quảng cáo để tập trung vào nhóm này, sử dụng hình ảnh và thông điệp phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ. Kết quả là, tỷ lệ chuyển đổi tăng lên rõ rệt và ROAS cải thiện đáng kể.

cac-yeu-to-anh-huong-den-chi-so-roas
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số ROAS

Chiến lược đặt giá thầu

Trong môi trường quảng cáo trực tuyến, bạn luôn phải cạnh tranh với các đối thủ khác. Có một chiến lược đặt giá thầu hợp lý sẽ giúp bạn dành được vị trí tốt trên các nền tảng quảng cáo, từ đó tiếp cận đúng đối tượng và tối ưu hóa chi phí.
Ví dụ: Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch nhận thấy chi phí quảng cáo trên Google Ads ngày càng cao do cạnh tranh gay gắt. Họ quyết định thử nghiệm chiến lược đặt giá thầu thông minh của Google, cho phép hệ thống tự động điều chỉnh giá thầu dựa trên khả năng chuyển đổi của mỗi lần nhấp chuột. Sau khi triển khai, họ nhận thấy quảng cáo của họ hiển thị ở các vị trí tốt hơn, số lượt chuyển đổi tăng lên, trong khi chi phí trung bình mỗi chuyển đổi giảm, cải thiện ROAS đáng kể.

Vị trí đặt quảng cáo

Việc chọn đúng vị trí để đặt quảng cáo cũng rất quan trọng. Các vị trí khác nhau trên những nền tảng khác nhau sẽ có chi phí và hiệu quả khác nhau. Chọn vị trí phù hợp với mục tiêu và đối tượng của bạn sẽ giúp cải thiện chỉ số ROAS.
Ví dụ: Một cửa hàng bán lẻ điện tử trực tuyến muốn thử nghiệm các vị trí quảng cáo khác nhau trên Facebook. Họ tạo ra nhiều bộ quảng cáo và đặt chúng ở các vị trí khác nhau như news feed, stories và marketplace. Sau một tháng theo dõi, họ nhận thấy rằng quảng cáo trên stories có chi phí thấp hơn và tỷ lệ chuyển đổi cao hơn so với các vị trí khác. Dựa trên kết quả này, họ quyết định tập trung ngân sách vào vị trí stories để tối ưu hóa chi phí và cải thiện ROAS.

Điểm khác nhau giữa ROAS và các chỉ số khác

Trong thế giới Marketing, có nhiều chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Mỗi chỉ số có những mục đích và cách tính khác nhau. Dưới đây là sự khác nhau giữa ROAS và một số chỉ số phổ biến khác.

ROAS vs ROI (Return on Investment)

  • ROAS chỉ tập trung vào lợi nhuận từ số tiền chi cho quảng cáo. Chỉ số này đo lường doanh thu thu được từ các khoản chi trực tiếp cho chiến dịch quảng cáo, không tính đến các chi phí khác như phần mềm, thiết kế, hoặc phân phối.

Công thức tính ROAS là: Doanh thu từ quảng cáo / Chi phí quảng cáo.

  • Ngược lại với ROAS, ROI tính toán tổng chi phí của chiến dịch quảng cáo, bao gồm cả các chi phí gián tiếp và lợi nhuận thu được từ toàn bộ chiến dịch. ROI cung cấp cái nhìn tổng quan về mức độ sinh lời của toàn bộ đầu tư, không chỉ giới hạn trong phạm vi quảng cáo.

Công thức tính ROI là: (Lợi nhuận thu được – Chi phí đầu tư) / Chi phí đầu tư

ROAS vs CAC (Customer Acquisition Cost)

  • CAC đo lường chi phí để có được một khách hàng mới. Công thức tính CAC là: Tổng chi phí chiến dịch / Số khách hàng trả tiền. Ví dụ, nếu bạn chi 2.000 USD cho một chiến dịch và thu được 200 khách hàng, CAC của bạn là 10 USD mỗi khách hàng.
  • ROAS đo lường doanh thu thu được từ chi phí quảng cáo mà không tính đến chi phí để có được khách hàng. Chỉ số này giúp bạn đánh giá hiệu quả về doanh thu từ quảng cáo, trong khi CAC giúp bạn hiểu chi phí để có được từng khách hàng.
so-sanh-roas-va-cac-chi-so-khac
So sánh ROAS và các chỉ số khác

ROAS vs eCPA (Effective Cost Per Action)

  • eCPA đo lường chi phí hiệu quả của mỗi hành động cụ thể, như số lần nhấp chuột hoặc mua hàng. Ví dụ, nếu bạn chi 1.000 USD cho một chiến dịch và nhận được 200 hành động (như nhấp chuột), eCPA của bạn là 5 USD mỗi hành động.
  • ROAS đánh giá toàn bộ doanh thu thu được từ chi phí quảng cáo, không chỉ số lượng hành động mà còn giá trị của các hành động đó.

ROAS vs CTR (Click Through Rate)

  • CTR đo lường tỷ lệ nhấp chuột trên tổng số lần quảng cáo được hiển thị. Công thức tính CTR là: Số lần nhấp chuột / Số lần hiển thị. Một CTR cao cho thấy quảng cáo của bạn hấp dẫn và hiệu quả trong việc kích thích người dùng nhấp chuột.
  • ROAS đo lường doanh thu thu được từ quảng cáo so với chi phí quảng cáo. Trong khi CTR chỉ cung cấp thông tin về hiệu quả sáng tạo của quảng cáo, ROAS đánh giá hiệu quả toàn diện của chiến dịch quảng cáo dựa trên doanh thu thu được.

Tóm lại, ROAS là chỉ số đo lường hiệu quả của chiến dịch quảng cáo dựa trên tỷ lệ doanh thu và chi phí quảng cáo. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chỉ số ROAS. Hãy tiếp tục theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bigcommerce. What is ROAS? Calculating Return On Ad Spend. Bigcommerce.com. https://www.bigcommerce.com/glossary/return-on-ad-spend/
  2. Glossary. Return on ad spend (ROAS). Appsflyer.com. https://www.appsflyer.com/glossary/roas/
  3. Amelia Brown. What is ROAS (Return on Ad Spend)?. Adacado.com. https://adacado.com/blog/what-is-roas/
  4. Madgicx. (2023, Aug 14). What Is ROAS, and How to Calculate It? The ROAS Formula. Madgicx.com. https://madgicx.com/blog/why-is-roas-such-an-important-metric-and-how-to-calculate-it#How-to-improve-your-ROAS
  5. Analyzify. (2024, February 15). A Beginners Guide To ROAS (Return On Ad Spend). Analyzify.com. https://analyzify.com/hub/a-beginners-guide-to-roas-return-on-ad-spend

Những câu hỏi thường gặp

Nên theo dõi ROAS như thế nào?

Nên theo dõi ROAS cho từng chiến dịch quảng cáo, từng kênh quảng cáo và từng sản phẩm/dịch vụ. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi ROAS thường xuyên để có thể điều chỉnh chiến dịch kịp thời.

ROAS có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài không?

Tất nhiên là có! ROAS có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như xu hướng thị trường, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, và các yếu tố cạnh tranh. Việc theo dõi, phân tích ROAS giúp bạn nhận diện và điều chỉnh theo các yếu tố này.

Có cần phải tính ROAS cho từng chiến dịch quảng cáo riêng biệt không?

Câu trả lời là: “Có!”. Bạn cần tính ROAS cho từng chiến dịch quảng cáo riêng biệt. Đây là cách giúp bạn đánh giá hiệu quả từng chiến dịch và đưa ra quyết định điều chỉnh để tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo.

Tại sao ROAS có thể thay đổi theo thời gian?

ROAS có thể thay đổi do nhiều yếu tố như thay đổi trong chiến lược quảng cáo, sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, sự thay đổi trong cạnh tranh và thay đổi trong hiệu quả của quảng cáo.

📛CẢNH BÁO: MẠO DANH TINO GROUP LỪA ĐẢO - CẬP NHẬT THỦ ĐOẠN MỚI NĂM 2024 📛
This is default text for notification bar