CPM trong Marketing là gì? Chỉ số CPM hoạt động như thế nào? CPM mang lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp? Trong bài viết dưới đây, Tino Group sẽ giúp bạn khám phá chi tiết về CPM trong Marketing. Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
CPM trong Marketing là gì?
Theo bài viết “Cost Per Mille (CPM)” trên trang Adroll, CPM (Cost Per Mille hoặc Cost Per Thousand Impressions, tạm dịch: Chi phí cho mỗi nghìn lần hiển thị) là phương pháp tính toán chi phí quảng cáo dựa trên số lần hiển thị quảng cáo. “Mille” trong tiếng Latin có nghĩa là “hàng nghìn”. CPM đề cập đến chi phí trung bình cho mỗi nghìn lần hiển thị quảng cáo hoặc số tiền trung bình mà bạn phải trả cho mỗi nghìn lần quảng cáo được tải lên các trình duyệt Internet.
Để tính CPM, bạn chia tổng chi phí quảng cáo cho số lần hiển thị và nhân với một “mille” (một nghìn). Công thức tính như sau:
Thông thường, CPM được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo để tiếp cận hàng nghìn người xem. Đây là phương pháp phổ biến trong các chiến dịch quảng cáo trực tuyến nhằm tăng độ nhận diện thương hiệu. CPM phù hợp với các chiến dịch có mục tiêu tiếp cận lớn và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Việc hiểu và áp dụng CPM trong Marketing kỹ thuật số có thể giúp các doanh nghiệp tối ưu hoá chiến lược quảng cáo của họ. Chỉ số này giúp khách hàng đạt được hiệu quả cao nhất từ ngân sách quảng cáo. CPM là một phần quan trọng trong chiến lược Marketing tổng thể của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đo lường và điều chỉnh các chiến dịch quảng cáo một cách hiệu quả.
Nguyên lý hoạt động của CPM
CPM là hình thức quảng cáo mà theo đó các công ty sẽ trả tiền dựa trên số lượt hiển thị quảng cáo của họ. Thông thường, CPM được sử dụng để lựa chọn phương tiện quảng cáo, Marketing liên quan đến lưu lượng truy cập web và quảng cáo trực tuyến. Một ví dụ tiêu biểu về CPM mà nhiều công ty áp dụng là Google Ads. Nền tảng này hoạt động dựa trên cơ sở CPM và CPC (Cost Per Click).
Trong khi đó, nhiều kênh trực tuyến ứng dụng CPM như một cấu trúc định giá hoặc lựa chọn đấu thầu. Hầu hết các chiến dịch trên Facebook hoạt động trên cấu trúc định giá CPM dù quảng cáo của bạn nhắm mục tiêu đến các chỉ số khác để tối ưu hoá.
Do mỗi lượt hiển thị mang giá trị rất nhỏ nên các số liệu này thường được đo lường bằng nghìn hoặc nhiều hơn. Không giống như mô hình CPC, CPM đo lường mức độ nhận diện thương hiệu ở cấp độ rất cao. Dưới đây là quy trình hoạt động của CPM:
- Chọn mạng quảng cáo: Các công ty chọn mạng quảng cáo hoặc nền tảng mà họ muốn hiển thị quảng cáo. Ví dụ, Google Ads hoặc Facebook.
- Thiết lập chiến dịch CPM: Các công ty tạo chiến dịch quảng cáo và chọn tùy chọn định giá CPM. Điều này có nghĩa là họ sẽ trả tiền dựa trên số lượt hiển thị quảng cáo, thay vì số lượt nhấp chuột.
- Đặt giá thầu và ngân sách: Công ty đặt giá thầu cho mỗi nghìn lượt hiển thị và xác định ngân sách tổng thể cho chiến dịch. Giá thầu này có thể thay đổi tùy thuộc vào mục tiêu và mức độ cạnh tranh của thị trường.
- Hiển thị quảng cáo: Quảng cáo bắt đầu hiển thị trên các trang web hoặc nền tảng đã chọn. Mỗi lần quảng cáo được tải lên trình duyệt của người dùng, nó được tính là một lượt hiển thị.
- Đo lường và tối ưu hóa: Các công ty theo dõi số lượt hiển thị và đo lường hiệu quả của chiến dịch dựa trên các chỉ số như độ nhận diện thương hiệu và tương tác. Dữ liệu này được sử dụng để tối ưu hóa chiến dịch và điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết.
So sánh CPM, CPC và CPA
Dưới đây là bảng so sánh giữa CPM, CPC và CPA dựa trên mô tả cũng như lợi ích cho chính doanh nghiệp.
Mô hình |
Mô tả |
Lợi ích |
---|---|---|
CPM (Cost Per Mille – chi phí cho mỗi 1.000 lượt hiển thị) |
Nhà quảng cáo trả tiền cho mỗi nghìn lượt hiển thị quảng cáo |
Phù hợp cho những trang web có lưu lượng truy cập cao. Tỷ lệ CPM thay đổi dựa trên đơn vị quảng cáo, đối tác, địa lý, định dạng và thiết bị. Chỉ số CPM được cung cấp nhanh chóng, giúp nhà quảng cáo xác định được số lượt hiển thị. |
CPC (Cost Per Click – chi phí cho mỗi lượt click) |
Nhà quảng cáo trả tiền mỗi khi người dùng click vào quảng cáo |
Giúp doanh nghiệp xác định doanh thu tạo ra cho mỗi lượt click. Thu nhập phụ thuộc vào số lần click vào quảng cáo. |
CPA (Cost Per Acquisition – chi phí cho mỗi chuyển đổi |
Nhà quảng cáo trả tiền cho mỗi lần chuyển đổi từ quảng cáo |
Cho phép doanh nghiệp tối ưu hoá vị trí quảng cáo cho chuyển đổi. Chỉ số này được tính bằng cách chia tổng chi phí thu hút cho số lượng chuyển đổi. CPA được các doanh nghiệp đánh giá cao vì mang lại kết quả trực tiếp. |
Chỉ số CPM mang lại lợi ích gì?
So với quảng cáo CPA hoặc CPC, tiếp thị CPM thường ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, tuỳ vào nơi bạn muốn hiển thị quảng cáo, mức giá chi trả sẽ khác nhau. Nếu muốn chiến dịch CPM của mình xuất hiện với nhóm khách hàng lớn hơn hoặc trên trang web phổ biến, bạn phải trả mức giá cao hơn cho vị trí của mình. Dưới đây là 5 lợi ích chính mà CPM mang lại.
Chi phí thấp hơn
So với các hình thức quảng cáo như CPA (Cost Per Action) hoặc CPC (Cost Per Click), CPM thường có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, giá bạn phải trả sẽ phụ thuộc vào nơi bạn hiển thị quảng cáo. Nếu muốn chiến dịch CPM của mình xuất hiện trước một lượng lớn khách hàng hoặc trên một trang web phổ biến, bạn phải đặt giá thầu cao hơn cho vị trí của mình.
Tăng độ nhận diện thương hiệu nhanh chóng
Các trang mạng xã hội như Facebook cho phép bạn thu hẹp đối tượng mục tiêu bằng các biện pháp nhắm mục tiêu chi tiết. Với việc nhắm mục tiêu trên mạng xã hội và chiến dịch CPM, bạn có thể tạo ra nhận thức về thương hiệu nhanh chóng với chi phí rất thấp.
Cải thiện độ tin cậy
Các doanh nghiệp trực tuyến cần tự thiết lập mình trong thị trường mục tiêu trước khi khách hàng bắt đầu nhận diện họ. Chiến dịch CPM nâng cao nhận thức, giúp khách hàng bắt đầu cảm thấy quen thuộc với các thương hiệu mới.
Cung cấp khách hàng tiềm năng có tính liên quan cao
Vì các công ty có thể tinh chỉnh các tùy chọn nhắm mục tiêu với quảng cáo CPM, việc tiếp cận chỉ những khách hàng mục tiêu có liên quan nhất trở nên khả thi. Chiến lược CPM dẫn đến hàng nghìn nguồn lưu lượng tiềm năng cho một tổ chức mới.
Tạo sự lan tỏa trong ngành
Nếu nội dung hoặc quảng cáo hiển thị đính kèm chiến dịch CPM có chất lượng cao, mọi người sẽ bắt đầu nói về thương hiệu. Những chiến lược CPM tốt nhất tạo ra sự lan tỏa rộng rãi, dẫn đến tăng lưu lượng truy cập và chuyển đổi.
CPM trong Digital Marketing
CPM trong Social Media Advertising
Trên thực tế, lợi nhuận từ quảng cáo trên mạng xã hội khá phức tạp. Số lượng lượt hiển thị tăng cho thấy quảng cáo được nhiều người xem hơn, nhất là với các định dạng như video hoặc stories. Tuy nhiên, tương tác với những định dạng quảng cáo truyền thống đang có xu hướng giảm. Thực trạng này thể hiện qua số lượt và tỷ lệ click chuột giảm.
Sự khác biệt về hiệu suất quảng cáo đã khiến các Marketer gặp khó khăn trong việc đo lường và xác định ROI từ quảng cáo trên mạng xã hội. Dưới đây là biểu đồ thể hiện tỷ lệ CPM trung bình giảm từ 6.52$ (năm 2022) xuống còn 6.06$ (năm 2023). Đồng thời, biểu đồ cũng thể hiện chỉ số CPM cao hơn trong quý cuối của mỗi năm. Sự gia tăng chi phí này bắt nguồn từ nhu cầu sử dụng không gian quảng cáo tăng, đạt đỉnh điểm trong mùa mua sắm cuối năm.
Tỷ lệ CPM trung bình trên Facebook, Instagram, Twitter, Youtube và TikTok năm 2024:
Nền tảng mạng xã hội |
Tỷ lệ CPM trung bình năm 2024 |
---|---|
Facebook & Instagram (Meta) |
6.63$ |
Twitter (X) |
2.53$ |
Youtube |
1.73$ |
TikTok |
3.37$ |
Chiến lược tối ưu hoá CPM trên các nền tảng mạng xã hội
Tối ưu hoá CPM trên các nền tảng mạng xã hội giúp tối đa hoá ROI trong các chiến dịch quảng cáo. Dưới đây là 3 chiến lược chính để đạt được tỷ lệ CPM tốt hơn.
Tinh chỉnh đối tượng mục tiêu
Trước tiên, bạn cần định nghĩa chính xác đối tượng mục tiêu của mình để đảm bảo quảng cáo hiển thị đúng người dùng phù hợp. Bạn có thể sử dụng các tính năng nhắm mục tiêu có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội, như dữ liệu nhân khẩu học, sở thích, hành vi và địa điểm địa lý. Nhắm mục tiêu chính xác là cách giúp bạn tránh lãng phí lượt hiển thị, tăng tính liên quan của quảng cáo, góp phần tăng tỷ lệ tương tác.
Cải thiện nội dung quảng cáo
Nội dung quảng cáo chất lượng là yếu tố cốt lõi để thu hút sự chú ý của người dùng và thúc đẩy khả năng tương tác. Vì vậy, bạn cần đầu tư vào hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho nội dung để thuyết phục đối tượng mục tiêu của mình. Bạn có thể thử nghiệm các định dạng quảng cáo khác nhau, như video, carousel hoặc hình ảnh tĩnh. Đồng thời, để xác định nội dung nào hoạt động tốt nhất, bạn có thể chạy thử nghiệm A/B.
Tối ưu hoá thời gian đăng bài
Thời gian đăng bài ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả quảng cáo của bạn. Vì vậy, bạn cần phân tích thời điểm đối tượng mục tiêu của mình hoạt động tích cực nhất trên các nền tảng mạng xã hội, lênh lịch quảng cáo trùng với những khung giờ cao điểm. Đây là cách giúp tăng khả năng hiển thị cho quảng cáo, cải thiện CPM. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thông tin chi tiết và công cụ phân tích trên các nền tảng mạng xã hội để tinh chỉnh, điều chỉnh thời gian quảng cáo dựa trên dữ liệu hiệu suất.
CPM trong Advertising
Quảng cáo hiển thị (Display Advertising) và CPM
Quảng cáo hiển thị có mối liên kết chặt chẽ với mô hình CPM, cho phép doanh nghiệp kiếm tiền từ không gian quảng cáo. Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ kiếm được doanh thu khi quảng cáo đạt được một nghìn lượt hiển thị. CPM tập trung vào khả năng hiển thị quảng cáo với đối tượng của trang web.
Quảng cáo hiển thị thu hút sự chú ý của người dùng và dẫn đến các hành động như click chuột vào landing page hoặc truy cập vào website. Việc này rất có giá trị cho các chiến dịch tiếp thị tiếp theo. Tương tác của người dùng ảnh hưởng đến doanh thu CPM. Do đó, việc đặt quảng cáo chiến lược đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Quảng cáo được đặt ở vị trí dễ thấy, tránh tình trạng “mù quảng cáo” và được tối ưu hoá để tăng tỷ lệ CPM.
Quảng cáo lập trình (Programmatic Advertising) và CPM
Trong chiến dịch CPM, tự động hoá quảng cáo giúp đảm bảo quá trình chạy quảng cáo đạt hiệu quả về thời gian, có khả năng mở rộng và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Quảng cáo lập trình kết hợp với mô hình CPM mang lại nhiều lợi ích đáng kể, như:
- Tăng doanh thu khi đấu thầu theo thời gian thực.
- Cải thiện hiệu quả hoạt động bằng cách tự động hóa việc bán và đặt quảng cáo.
- Giảm bớt công việc thủ công.
Ngoài ra, hệ thống này cũng tối ưu hoá việc sử dụng không gian quảng cáo, giúp tiết kiệm chi phí, nhắm đúng đối tượng mục tiêu và cải thiện sự tương tác, tăng giá trị của quảng cáo.
Với hình thức này, doanh nghiệp sẽ thu thập được thông tin chi tiết trong thời gian thực để nhanh chóng điều chỉnh chiến lược tiếp thị. Đồng thời, doanh nghiệp chạy quảng cáo cũng sẽ hưởng lợi từ khả năng mở rộng khi lưu lượng truy cập tăng, có cơ hội kiếm tiền ngoài thị trường địa phương.
Nhìn chung, CPM là phương pháp hiệu quả trong quảng cáo kỹ thuật số, nhất là trong các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội và quảng cáo hiển thị. Dù không mang lại sự tương tác trực tiếp như CPC hoặc CPA, CPM vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận diện thương hiệu. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ CPM là gì. Đừng quên theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Anete Jodzevica. (2024, April 12). CPM Meaning – What is CPM in Marketing and Advertising?. Setupad.com. https://setupad.com/blog/what-is-cpm/#advantages-and-shortcomings-of-cpm
- Guptamedia. (2024). The true cost of social media ads in 2024. Guptamedia.com. https://www.guptamedia.com/social-media-ads-cost
- AdRoll. What Does CPM Stand For?. Adroll.com. https://www.adroll.com/digital-advertising/cost-per-mille#:~:text=CPM%20stands%20for%20cost%20per,internet%20browsers%20load%20your%20ad.
- Intuitmailchimp. (2024). Signification du CPM : qu’est‑ce que le CPM et pourquoi il est important dans le marketing numérique?. Mailchimp.com. https://mailchimp.com/fr/resources/what-is-cpm/
- Sproutsocial. CPM. sproutsocial.com. https://sproutsocial.com/glossary/cpm/