Nhiều tập đoàn lớn như Google, Amazon và Starbucks đã áp dụng thành công chiến lược nâng cao sự gắn kết của nhân viên hay Employee Engagement, từ đó đạt được những bước tiến vượt bậc. Vậy Employee Engagement là gì? Và làm thế nào để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể học hỏi từ các “ông lớn” này? Hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Employee Engagement là gì?
Theo bài viết: What Is Employee Engagement? Definition, Measurement, Drivers, and Strategies, with Examples trên trang Spiceworks, Employee Engagement (sự gắn kết nhân viên) là mức độ nhân viên trung thành, tận tâm và có động lực với công việc mà họ đang làm. Không chỉ biểu hiện qua sự chăm chỉ, Employee Engagement còn là mong muốn, niềm đam mê mà nhân viên muốn đóng góp vào tổ chức chung.
Simon Sinek – tác giả của quyển Start With Why từng nói: “Khi con người đầu tư cảm xúc vào công việc, họ không chỉ làm việc để nhận lương mà còn muốn mang lại giá trị thực sự”.
Ngoài ra, khái niệm Employee Engagement còn được Tiến sĩ William Kahn đưa ra vào năm 1990. Theo Tiến sĩ, sự gắn kết xảy ra trên 3 phương diện: thể chất (nỗ lực làm việc), trí tuệ (suy nghĩ và sáng tạo) và cảm xúc (sự kết nối với công việc).
Các nhân viên có sự gắn kết thường không ngại thử thách, sẵn sàng thay đổi và không ngừng học hỏi để phát triển. Không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình, nhân viên gắn kết còn góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, trở thành “đại sứ” cho doanh nghiệp.
Ngược lại, những nhân viên không gắn kết chỉ làm việc qua loa, ít tham gia vào các hoạt động ngoài công việc. Thậm chí, một số người còn có thái độ tiêu cực, gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung. Tóm lại, Employee Engagement chính là chìa khoá để nhân viên làm việc hiệu quả, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của tổ chức.
3 lợi ích hàng đầu của Employee Engagement mang lại
Bên cạnh việc cải thiện môi trường công sở, Employee Engagement còn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho tổ chức. Khi nhân viên cảm thấy gắn kết và tận tâm với công việc, họ không chỉ làm việc hiệu quả hơn mà còn góp phần tạo ra sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh. Dưới đây là 3 lợi ích quan trọng nhất mà Employee Engagement mang lại.
Tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên
Nhân viên hạnh phúc và gắn bó thường có xu hướng gắn bó lâu dài với công ty, giảm tỷ lệ nghỉ việc. Theo nghiên cứu từ Gallup, các tổ chức có mức độ gắn kết cao giữa nhân viên thường có tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn từ 18% đến 43% so với những đội nhóm không có sự gắn kết.
Sự gắn kết giúp nhân viên cảm thấy được đánh giá cao, nhìn thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp và hiểu rõ những lý do khi thay đổi trong doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố này tạo nên sự tin tưởng giữa nhân viên và lãnh đạo, từ đó giảm chi phí tuyển dụng, đào tạo nhân sự mới.
Cải thiện trải nghiệm khách hàng
Các nhân viên có tinh thần gắn kết thường sẵn sàng làm nhiều hơn trách nhiệm của mình. Đây là các nhân tố có tác động trực tiếp để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Họ lắng nghe, thấu hiểu và tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề của khách hàng.
Sự góp mặt của các nhân viên gắn kết giúp doanh nghiệp dễ dàng đạt được sự hài lòng, lòng trung thành từ khách hàng và thậm chí là tăng khả năng quay lại sử dụng dịch vụ. Một môi trường làm việc tích cực không chỉ truyền cảm hứng cho nhân viên mà còn giúp họ truyền tải tinh thần đó đến khách hàng, từ đó nâng cao vị thế của thương hiệu.
Tăng năng suất làm việc của đội nhóm
Theo Gallup, nhân viên gắn kết có năng suất làm việc cao hơn 17% so với những người không gắn kết. Họ tận tâm với công việc, tự hào về những đóng góp của mình và sẵn sàng đón nhận những mục tiêu mới. Để duy trì hiệu suất này, doanh nghiệp cần cung cấp cho nhân viên các công cụ, đào tạo và tài nguyên cần thiết để họ hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Nhờ đó, tổ chức không chỉ đạt được hiệu quả cao mà còn tối ưu hóa ngân sách khi tận dụng được nguồn lực hiện có.
8 yếu tố tạo nên Employee Engagement
Employee Engagement vừa là sự cam kết của nhân viên với công việc, vừa là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Để đạt được sự gắn kết này, các tổ chức cần tập trung vào 8 yếu tố cốt lõi sau.
#1. Quy trình tuyển dụng và hội nhập mượt mà
Employee Engagement bắt đầu từ khi nhân viên được tuyển dụng và tham gia vào quy trình hội nhập (onboarding). Một quy trình hội nhập chuyên nghiệp giúp nhân viên cảm nhận được văn hóa và môi trường làm việc của công ty. Không chỉ giúp họ tự tin làm quen với vai trò mới, đây còn là cách thúc đẩy mong muốn gắn bó lâu dài.
Thông qua quy trình hội nhập, nhân viên sẽ có đủ thời gian để nắm vững công việc trước khi bắt đầu làm việc chính thức. Nhờ đó, nhân viên sẽ có được nền tảng cũng như sự tự tin trong quá trình làm việc.
#2. Văn hóa làm việc tích cực
Văn hóa làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự gắn kết. Một môi trường làm việc tích cực cần sự minh bạch, cởi mở và tôn trọng. Minh bạch được thể hiện qua việc tổ chức chia sẻ mục tiêu, giá trị và tiến trình hoạt động của công ty với nhân viên. Đồng thời, nhân viên cần được tự do bày tỏ ý kiến, nhận phản hồi và tham gia vào các quyết định quan trọng liên quan đến công việc của họ. Khi cảm nhận được sự tôn trọng cũng như giá trị bản thân trong tổ chức, nhân viên sẽ có động lực để cống hiến nhiều hơn.
#3. Công cụ hỗ trợ năng suất
Trong môi trường làm việc hiện đại, các công cụ quản lý thời gian và cộng tác đóng vai trò không thể thiếu. Các công cụ như Bitrix24, Slack, Trello hoặc Wunderlist giúp nhân viên thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, giảm thiểu sự gián đoạn và tối ưu hóa năng suất. Khi được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, nhân viên có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, chính xác và ít căng thẳng hơn, từ đó tăng mức độ gắn kết với công việc.
#4. Cơ hội học tập và phát triển
Học tập và phát triển là yếu tố quan trọng để giữ chân nhân viên, nhất là đối với thế hệ trẻ. Những chương trình đào tạo chuyên sâu hoặc hình thức học trực tuyến (m-learning) giúp nhân viên nâng cao kỹ năng, mở rộng kiến thức và cảm nhận được sự quan tâm của tổ chức đến sự phát triển cá nhân của mình. Khi nhận được cơ hội phát triển, nhân viên sẽ có xu hướng gắn bó hơn với tổ chức và tích cực đóng góp vào sự phát triển chung.
#5. Lãnh đạo hiệu quả và kế hoạch kế nhiệm
Một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ đưa ra đưa ra phương hướng rõ ràng mà còn truyền cảm hứng cho nhân viên phát triển. Đồng thời, kế hoạch kế nhiệm là chìa khóa để giữ chân nhân viên giàu năng lực. Thông qua kế hoạch này, nhân viên sẽ nhận thấy được cơ hội thăng tiến trong công việc. Hiện nay, có không ít công cụ hỗ trợ doanh nghiệp phân tích và đánh giá nhân viên, như Ascendify. Những công cụ này có thể giúp xác định tài năng phù hợp cho các vị trí lãnh đạo, xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển cá nhân hóa cho từng nhân viên.
#6. Chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhân viên
Sức khỏe tinh thần và thể chất ảnh hưởng lớn đến mức độ gắn kết của nhân viên. Một số chính sách như cung cấp thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe, tổ chức các chương trình thể dục hay tạo không gian làm việc lành mạnh cho thấy sự quan tâm của tổ chức đến nhân viên. Khi cảm nhận được sự chăm sóc này, nhân viên sẽ có tinh thần làm việc tốt hơn, sẵn sàng đồng hành lâu dài với công ty.
#7. Sự linh hoạt trong công việc
Thời gian, địa điểm làm việc linh hoạt giúp nhân viên giảm bớt căng thẳng, cải thiện năng suất làm việc và cảm thấy hài lòng hơn. Các công cụ cộng tác trực tuyến như Bitrix24, Slack, Skype hay Zoom giúp nhân viên được kết nối và đảm bảo hiệu suất dù làm việc từ xa. Cảm nhận sự tin tưởng từ tổ chức, nhân viên sẽ có xu hướng làm việc tích cực và hiệu quả hơn.
#8. Ghi nhận và tưởng thưởng
Trên thực tế, bất kỳ nhân viên nào cũng trân trọng những lời khen và sự ghi nhận từ tổ chức. Vì vậy, khi được ban lãnh đạo ghi nhận công lao qua các nền tảng công nghệ hoặc mạng xã hội, nhân viên sẽ cảm thấy giá trị của mình được đề cao. Ngoài ra, các chính sách thưởng cá nhân còn góp phần tạo động lực lớn, giúp nhân viên nỗ lực hơn để đạt được thành tích cao trong công việc.
8 ý tưởng giúp tăng Employee Engagement
Sự gắn kết nhân viên là yếu tố hàng đầu giúp nâng cao hiệu suất làm việc, xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và bền vững. Dưới đây là 6 ý tưởng giúp cải thiện sự gắn kết hiệu quả.
1. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên giá trị cốt lõi và sứ mệnh
Một môi trường làm việc gắn kết luôn bắt đầu từ văn hóa doanh nghiệp rõ ràng và ý nghĩa. Khi tổ chức truyền đạt các giá trị cốt lõi, sứ mệnh nhất quán, nhân viên sẽ cảm thấy mình là mảnh ghép quan trọng trong một bức tranh lớn. Các nhà lãnh đạo cần làm gương thông qua những hành vi đúng mực, mang lại giá trị cao đẹp cho tổ chức. Đồng thời, người có chức vụ cao cũng nên truyền cảm hứng để nhân viên đồng lòng theo đuổi mục tiêu chung.
2. Tăng vai trò của đội ngũ quản lý
Người quản lý là cầu nối quan trọng giữa nhân viên và tổ chức. Đầu tư đào tạo kỹ năng giao tiếp, quản lý đội nhóm và phản hồi tích cực cho đội ngũ quản lý sẽ giúp tạo ra môi trường làm việc cởi mở, hỗ trợ nhân viên phát huy tối đa năng lực. Khi quản lý thể hiện sự nhiệt huyết, quan tâm chân thành, nhân viên sẽ cảm thấy được động viên và cam kết hơn.
3. Nhận phản hồi và công nhận đóng góp
Mọi nhân viên đều mong muốn công sức của mình được ghi nhận. Vậy nên, ban lãnh đạo có thể tổ chức các buổi họp định kỳ, xây dựng hệ thống phản hồi trực tuyến hoặc các chương trình công nhận thành tích để kịp thời tôn vinh những nỗ lực của cá nhân, tập thể. Việc công khai ghi nhận thành tích còn tạo động lực cho những nhân viên khác cùng phấn đấu.
4. Thiết kế quy trình onboarding bài bản cho nhân viên mới
Quá trình gia nhập công ty có tác động lớn đến cảm nhận ban đầu của nhân viên mới. Một quy trình onboarding hiệu quả không chỉ giới thiệu rõ ràng về vai trò, trách nhiệm mà còn giúp họ hiểu được văn hóa, giá trị của tổ chức. Đây là cách tạo dựng sự tự tin và giúp nhân viên hòa nhập nhanh hơn, từ đó tăng khả năng gắn bó lâu dài.
5. Tạo điều kiện phát triển cá nhân và nghề nghiệp
Trong kỷ nguyên số, học tập không ngừng là yếu tố cần thiết để nhân viên thích nghi với sự thay đổi. Chính vì thế, doanh nghiệp có thể tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng, chương trình cố vấn hoặc hỗ trợ chi phí học tập. Qua quá trình học tập và rèn luyện, nhân viên có thể phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm.
6. Xây dựng các hoạt động kết nối và gắn bó đội nhóm
Những hoạt động ngoài công việc như tiệc liên hoan, ngày hội thể thao, trò chơi đồng đội hoặc các hoạt động thiện nguyện không chỉ giúp nhân viên thư giãn mà còn tạo cơ hội gắn kết giữa các thành viên. Sự kết nối cá nhân sẽ xây dựng nên một môi trường làm việc đoàn kết và thân thiện hơn.
7. Tổ chức các hoạt động kết nối tập thể
Các buổi gặp gỡ ngoài giờ làm việc như tiệc tối, trò chơi nhóm hoặc hoạt động thiện nguyện sẽ giúp nhân viên hiểu nhau hơn, xây dựng mối quan hệ cá nhân, từ đó tạo môi trường làm việc gắn bó và thân thiện.
8. Đo lường và cải thiện liên tục
Để xác định được hiệu suất của cả doanh nghiệp, ban lãnh đạo có thể tổ các buổi khảo sát gắn kết nhân viên định kỳ. Dựa trên phản hồi thu thập được, doanh nghiệp có thể điều chỉnh chính sách, chiến lược để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân viên, qua đó giữ chân và tăng mức độ hài lòng của họ.
Giữ chân nhân tài sẽ không phải là thách thức nếu bạn thực sự quan tâm và hiểu được nhu cầu của họ. Khi tập trung đầu tư vào Employee Engagement, bạn sẽ biến tổ chức của mình thành nơi mà nhân viên không chỉ muốn làm việc, mà còn tự hào để gắn bó lâu dài. Đừng quên theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Puja Lalwani. (2021, March 11). What Is Employee Engagement? Definition, Measurement, Drivers, and Strategies, with Examples. Spiceworks.com. https://www.spiceworks.com/hr/engagement-retention/articles/what-is-employee-engagement/
- Court Bishop. (2024, October 17). Employee engagement: Definition, examples, and strategies. Zendesk.com. https://www.zendesk.com/blog/employee-engagement/#2
- Builtin. WHAT IS EMPLOYEE ENGAGEMENT?. Builtin.com. https://builtin.com/employee-engagement
- David Kindness. (2024, June 20). What Is Employee Engagement? Definition, Strategies, and Example. Investopedia.com. https://www.investopedia.com/terms/e/employee-engagement.asp
- Quantum Workplace. What is Employee Engagement? What, Why, and How to Improve. Quantumworkplace.com. https://www.quantumworkplace.com/future-of-work/what-is-employee-engagement-definition
Những câu hỏi thường gặp
Ngành nào cần chú trọng Employee Engagement nhất?
Tất cả các ngành đều cần, nhưng đặc biệt là các ngành dịch vụ, công nghệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe vì phụ thuộc nhiều vào đội ngũ nhân sự.
Có nên sử dụng công nghệ để nâng cao Employee Engagement không?
Tất nhiên là có! Công nghệ giúp dễ dàng theo dõi, đo lường và cung cấp công cụ hỗ trợ giao tiếp, quản lý công việc và phát triển kỹ năng.
Employee Engagement có liên quan đến trải nghiệm khách hàng không?
Câu trả lời là: “Có!”. Các nhân viên gắn kết thường mang lại dịch vụ tốt hơn, tạo trải nghiệm tích cực cho khách hàng, góp phần tăng sự trung thành của khách hàng.
Làm thế nào để đo lường sự gắn kết của nhân viên mới?
Dùng khảo sát sau onboarding, theo dõi hiệu suất công việc và lắng nghe phản hồi từ nhân viên mới để đánh giá sự hài lòng và mức độ hòa nhập.