Có đến 90% startup thất bại trong vòng 3 năm đầu tiên. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu sự thấu hiểu thị trường và nhu cầu của khách hàng. Vậy làm thế nào giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa cơ hội thành công cho dự án khởi nghiệp? Minimum Viable Product (MVP) chính là chìa khóa giải mã cho bài toán này. Hãy cùng Tino Group tìm hiểu Minimum Viable Product là gì qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Minimum Viable Product là gì?
Theo thông tin từ bài viết “Minimum Viable Product (MVP)” trên trang Agilealliance, Minimum Viable Product (MVP) (tạm dịch: phiên bản sản phẩm tối thiểu khả thi) là phiên bản đầu tiên của một sản phẩm được phát triển với đầy đủ các tính năng cơ bản nhất để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của khách hàng mục tiêu. Không cần phải hoàn hảo hay đầy đủ mọi tính năng, MVP chỉ tập trung vào những chức năng cốt lõi nhất để tạo ra trải nghiệm tối thiểu cho người dùng.
Mục đích chính của MVP là giúp doanh nghiệp thu thập phản hồi từ khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh, cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trước khi tung ra phiên bản chính thức. Việc sử dụng MVP giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phát triển, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa cơ hội thành công cho sản phẩm.
Bạn có thể tưởng tượng MVP giống như bản nháp đầu tiên của một bức tranh. Bản nháp này không cần hoàn hảo hay đầy đủ chi tiết, nhưng cần thể hiện được ý tưởng cốt lõi và thu hút sự quan tâm của người xem. Sau khi thu thập ý kiến phản hồi, bạn có thể tiếp tục tô điểm và hoàn thiện bức tranh dựa trên những góp ý đó.
Minimum Viable Product mang lại lợi ích gì?
Nắm bắt nhu cầu thị trường nhanh chóng
Trong thời đại công nghệ phát triển, sở hữu một ý tưởng sản phẩm tuyệt vời chưa chắc đã đảm bảo thành công. Minimum Viable Product ra đời như một giải pháp giúp doanh nghiệp kiểm tra nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm của mình một cách nhanh chóng, tiết kiệm.
Khi tung ra phiên bản đơn giản với các tính năng cốt lõi, doanh nghiệp có thể thu thập phản hồi thực tế từ khách hàng mục tiêu. Đây là cách giúp doanh nghiệp xác định liệu khách hàng có hứng thú với sản phẩm hay không. Từ những thông tin thu thập được, doanh nghiệp sẽ quyết định tiếp tục hoặc ngưng phát triển sản phẩm một cách thông minh, chính xác hơn.
Tiết kiệm chi phí phát triển
Thông thường, việc phát triển một sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể. Minimum Viable Product là giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong giai đoạn đầu. Bằng cách tập trung vào các tính năng cơ bản nhất, doanh nghiệp có thể giảm thời gian, nguồn lực cần thiết để xây dựng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể tái đầu tư vào các giai đoạn phát triển sau bằng chi phí tiết kiệm được từ MVP. Giải pháp này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa ngân sách và đạt hiệu quả cao hơn.
Kết nối với người dùng
Minimum Viable Product đóng vai trò như một cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và khách hàng. Khi đưa MVP đến tay người dùng, doanh nghiệp có thể thu thập những phản hồi thực tế về trải nghiệm sản phẩm, tính năng và các điểm cần cải thiện. Những phản hồi quý giá này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong đợi của khách hàng, từ đó điều chỉnh và cải tiến sản phẩm một cách hiệu quả. Sản phẩm cuối cùng được ra mắt sẽ đáp ứng tốt hầu hết các yêu cầu của thị trường, gia tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy quá trình học hỏi và phát triển
Minimum Viable Product là nền tảng thúc đẩy quá trình học hỏi và phát triển của doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng và thử nghiệm MVP, các bên liên quan sẽ học hỏi được nhiều điều, như cách thức tiếp cận thị trường, thấu hiểu khách hàng, tối ưu hóa quy trình phát triển sản phẩm. Những kiến thức, kinh nghiệm này sẽ được tích lũy và vận dụng cho các dự án phát triển sản phẩm trong tương lai, giúp doanh nghiệp liên tục cải tiến, đạt được những thành công bền vững.
Cách thiết lập MVP hiệu quả qua 4 bước
Xác định điểm đau của khách hàng
Để thiết lập MVP hiệu quả, bước đầu tiên bạn cần làm là xác định các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Nếu hiểu rõ những điểm đau này, bạn có thể xây dựng một giải pháp thực sự phù hợp với nhu cầu của họ. Trong quá trình này, bạn cần tiến hành nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh, thực hiện các cuộc phỏng vấn hoặc khảo sát. Đây là những cách tối ưu nhất để bạn thu thập dữ liệu và hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng.
Mô tả bối cảnh cạnh tranh
Trong bước tiếp theo, bạn hãy phác họa bối cảnh cạnh tranh để hiểu rõ thị trường mà bạn sẽ tung sản phẩm ra. Phân tích ưu điểm, hạn chế của các sản phẩm hiện có trên thị trường cũng giúp bạn định vị được tình hình thực tế dành cho “đứa con tinh thần” của mình. Ngoài ra, bạn hãy xác định các điểm khác biệt mà sản phẩm của bạn có thể mang lại cho khách hàng. Đây là các giúp bạn thiết lập MVP của mình trở nên nổi bật, thu hút người dùng tiềm năng.
Kiểm tra tính khả thi của MVP
Để kiểm tra tính khả thi của MVP, bạn có thể sử dụng nhóm thử nghiệm beta hoặc tester nội bộ. Họ sẽ trải nghiệm phiên bản MVP cơ bản, như trang web giới thiệu, đường dây SMS hoặc ứng dụng đơn giản. Giai đoạn thử nghiệm này giúp bạn đánh giá tính năng sản phẩm, khả năng giải quyết vấn đề và xác định những điểm cần cải thiện trước khi tung sản phẩm ra thị trường chính thức.
Chuẩn bị cho việc ra mắt
Nếu MVP vượt qua giai đoạn thử nghiệm, bạn đã có trong tay một “chiến binh” giàu tiềm năng. Cuối cùng, bạn và đội ngũ của mình hãy tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, sửa lỗi và hoàn thiện các tính năng sản phẩm trước khi ra mắt. Khi đã xác định được những tính năng cốt lõi, bạn hãy tung ra MVP cho nhóm khách hàng đầu tiên và bắt đầu hành trình phản hồi xây dựng – đo lường – học hỏi để liên tục cải tiến sản phẩm.
Một số ví dụ về MVP
#1. Amazon
Vào những năm đầu thập niên 90, Jeff Bezos nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành thương mại điện tử. Lúc này, ông đã quyết định thử nghiệm thị trường với một hiệu sách trực tuyến. Ông điều hành cửa hàng sách từ gara của mình và nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Sự thành công từ cửa hàng sách đã mở ra hướng phát triển cho các sản phẩm khác, như đồ dùng điện tử, quần áo, giày dép,… Việc sử dụng nhà sách trực tuyến như một MVP là bước khởi đầu mà Jeff Bezos giúp Amazon thu thập thông tin khách hàng, đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Chỉ trong vòng 20 năm phát triển, Amazon từ một cửa hàng sách nhỏ trên trang web đã trở thành tập đoàn lớn thứ 3 trên thế giới.
#2. Uber
Ban đầu, Uber không phải là một ứng dụng di động. Thay vào đó, các nhà sáng lập Garret Camp và Travis Kalanick đã phát triển một dịch vụ SMS chỉ dành cho iPhone mang tên UberCab tại San Francisco. Họ thử nghiệm trải nghiệm người dùng và cải tiến dịch vụ này trong thành phố trước khi gọi vốn đầu tư cũng như xây dựng ứng dụng chính thức. Qua nhiều phiên bản khác nhau, từ dịch vụ taxi trên iPhone, Uber đã mở rộng thêm các dịch vụ gọi xe khác.
#3. Spotify
Năm 2006, các dịch vụ phát nhạc liên tục khởi nghiệp và thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau, như thư viện nhạc còn hạn chế, chất lượng thấp, giá đăng ký cao, trải nghiệm stream không ổn định,… Thấy được vấn đề, Daniel Ek và Martin Lorentzon đã xây dựng Spotify như một trang web giới thiệu. Trang web này thử nghiệm công nghệ phát nhạc với người dùng beta và tài trợ bằng doanh thu quảng cáo trên trang. Mục tiêu cuối cùng của Spotify là biến trải nghiệm phát nhạc trở nên nhanh chóng, ổn định. Từ đó, họ có thể thuyết phục đã hãng thu âm và nhà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau khi vượt qua giai đoạn thử nghiệm, Spotify và ứng dụng phát nhạc đã được phát hành rộng rãi, trở thành dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hàng đầu hiện nay.
Có thể thấy, Minimum Viable Product chính là chiến lược tối ưu để khởi nghiệp thành công. Tino Group hy vọng những thông tin về MVP sẽ hữu ích đối với bạn trên hành trình xây dựng doanh nghiệp. Hãy tiếp tục theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
- NIDHI RAJ. Minimum Viable Product (MVP) – What is it & how to start. Atlassian.com. https://www.atlassian.com/agile/product-management/minimum-viable-product
- Lê Ngọc Đài Trang. (2021, December 14). MVP là gì? Ý nghĩa của MVP trong Game và Startup. Thegioididong.com. https://www.thegioididong.com/game-app/mvp-la-gi-y-nghia-cua-mvp-trong-game-va-startup-1334841
- Agilealliance. Minimum Viable Product (MVP). Agilealliance.org. https://www.agilealliance.org/glossary/mvp/
Những câu hỏi thường gặp
Làm thế nào xác định tính năng cốt lõi cho MVP?
Để xác định tính năng cốt lõi cho MVP, bạn có thể nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, phân tích đối thủ cạnh tranh, xác định những yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề của người dùng.
Khi nào không nên sử dụng MVP?
Doanh nghiệp không nên sử dụng MVP khi sản phẩm yêu cầu độ an toàn cao, không thể giảm thiểu tính năng mà không ảnh hưởng đến chất lượng hoặc thị trường mục tiêu không chấp nhận phiên bản tối giản.
Có cần đầu tư nhiều vào thiết kế MVP không?
Thiết kế của MVP nên đơn giản và tập trung vào các tính năng cốt lõi. Mục tiêu là thu thập phản hồi từ người dùng, không phải tạo ra sản phẩm hoàn hảo ngay từ đầu.
Có thể áp dụng MVP cho các dự án phi công nghệ không?
Câu trả lời là: “Có!” MVP có thể được áp dụng cho các dự án phi công nghệ, như dịch vụ mới hoặc sản phẩm vật lý, bằng cách xác định và thử nghiệm các tính năng cốt lõi trước khi phát triển toàn diện.