Đối với nền kinh tế hiện nay, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tự do thương mại đã và đang là xu thế nổi bật. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài “dòng chảy” ấy. Sau khi gia nhập khối ASEAN vào năm 1995, Việt Nam chính thức mở cửa hội nhập và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Những điều cần biết về xuất nhập khẩu
Nhập khẩu là gì?
Nhập khẩu là quá trình cư dân của một quốc gia thu mua sản phẩm/dịch vụ từ những quốc gia khác trên thế giới, thay vì mua từ các nhà sản xuất/nhà cung cấp trong nước. Trong quá trình nhập khẩu hàng hóa, dòng tiền sẽ “chảy” ra khỏi quốc gia vì người mua thực hiện giao dịch và thanh toán cho người bán ở nước ngoài.
Xuất khẩu là gì?
Xuất khẩu là quá trình cư dân của một quốc gia cung ứng sản phẩm/dịch vụ ra thị trường ngoài nước. Không giống như nhập khẩu, xuất khẩu khiến dòng tiền “chảy” vào quốc gia vì người mua thực hiện giao dịch và thanh toán cho nhà sản xuất/nhà cung cấp cư trú trong quốc gia đó.
Xuất nhập khẩu là gì?
Xuất nhập khẩu (Import-Export) là hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại quốc tế. Hoạt động này đề cập đến quá trình hợp tác, giao dịch giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ với nhau. Một quốc gia có thể thu mua sản phẩm/dịch vụ mà mình không sản xuất từ các quốc gia khác và ngược lại.
Xuất nhập khẩu tại Việt Nam
Trong nhiều năm qua, xuất nhập khẩu đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, tác động rất lớn đến nguồn kinh tế của cả nước. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ở mức độ rất cao. Điều này được minh chứng qua việc Việt Nam thường xuyên chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 quốc gia ký kết FTA với Việt Nam.
Nhà nước chú trọng xuất nhập khẩu đã tạo ra điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận gần hơn với thị trường trong khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu còn là “nhịp cầu” nối kết mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài.
Xuất nhập khẩu là nhân tố xóa bỏ rào cản giao dịch giữa các quốc gia, nhất là những “hàng rào” về thuế (0% – 5%). Điều này đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Một số đặc điểm của xuất nhập khẩu
Thời gian lưu chuyển hàng hóa
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện qua hai giai đoạn mua hàng và hai giai đoạn bán hàng:
- Xuất khẩu: Thu mua sản phẩm/dịch vụ trong nước và cung ứng ra thị trường ngoài nước
- Nhập khẩu: Thu mua sản phẩm/dịch vụ nước ngoài nước và cung ứng cho thị trường nội địa
Vì vậy, thời gian lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu luôn dài hơn so với hoạt động kinh doanh nội địa. Kết quả của hoạt động kinh xuất nhập khẩu chỉ được xác định khi hàng hóa đã luân chuyển đủ một vòng hoặc các bên giao dịch hoàn tất thương vụ ngoại thương.
Hàng hóa xuất nhập khẩu
Đối với hoạt động xuất khẩu, những mặt hàng được cung ứng ra thị trường ngoài nước thường là thế mạnh của quốc gia, như: rau củ quả, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc,…
Đối với hoạt động nhập khẩu, mặt hàng thu mua là những mặt hàng trong nước không có hoặc chưa đủ điều kiện để sản xuất, như: thiết bị công nghệ, vật liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, phụ tùng xe,…
Thời gian giao/nhận hàng và thanh toán
Trong hoạt động kinh doanh nội địa, quá trình giao dịch diễn ra theo cách thức “tiền trao cháo múc”. Nghĩa là khi giao/nhận hàng, các bên giao dịch sẽ tiến hành thanh toán ngay. Ngược lại, đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, thời gian giao/nhận hàng và thanh toán không trùng nhau mà có khoảng cách kéo dài.
Phương thức thanh toán
Thanh toán quốc tế là phương thức phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Phương thức này giúp các bên giao dịch tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.
Hiện tại, có 4 phương thức thanh toán quốc tế được áp dụng nhiều nhất, bao gồm: phương thức chuyển tiền (Remittance), phương thức ghi sổ (Open Account), phương thức thanh toán nhờ thu (Collection of Payment) và phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (Letter of credit).
Cơ sở pháp lý
Xuất nhập khẩu là hoạt động giao dịch diễn ra giữa hai quốc gia. Vì vậy, quá trình giao dịch sẽ có điểm bất tương đồng về pháp lý và tập quán kinh doanh. Thế nên, khi tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý đến tập quán kinh doanh và luật thương mại quốc tế của từng nước.
Giá cả và tiền tệ trong xuất nhập khẩu
Hiệp định và hợp đồng các quy định về tiền tệ khi thanh toán là yếu tố cần thiết trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Yếu tố này giúp doanh nghiệp xác định các loại tiền được dùng để thanh toán trong quá trình giao dịch ngoại thương. Ngoài ra, với các quy định về tiền tệ, doanh nghiệp sẽ kịp thời xử lý giá trị đồng tiền nếu xảy ra biến động.
Bên cạnh tiền tệ, giá cả cũng là yếu tố đáng được chú ý khi giao dịch xuất nhập khẩu. Giá cả giúp doanh nghiệp xác định điều kiện về địa điểm giao hàng. Theo luật Incoterms – 2000, điều kiện về địa điểm giao hàng biểu trưng cho trách nhiệm giữa người bán và người mua đối với các khoản phí rủi ro.
Những thuật ngữ phổ biến trong ngành xuất nhập khẩu
Xuất nhập khẩu là một hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào các nguyên tắc mua bán hàng hóa quốc tế. Vì vậy, khi hoạt động trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần lưu ý đến những đặc thù và các khái niệm chuyên ngành quan trọng.
UCP
Là viết tắt của cụm từ The Uniform Custom and Practice for Documentary Credit, tạm dịch: Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ
Xuất khẩu tại chỗ
Đây là phương thức các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại Việt Nam và cung ứng cho thương nhân ngoại quốc. Trong đó, quy trình giao hàng hóa sẽ được đảm nhiệm bởi một đơn vị khác theo chỉ định của thương nhân ngoại quốc ấy.
Incoterms
Là viết tắt của cụm từ International Commerce Terms, dùng để chỉ các điều luật thương mại quốc tế. Nội dung của những điều luật này bao gồm quy định của các bên khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế.
Thương nhân xuất nhập khẩu (Import/Export Merchant)
Thuật ngữ này dùng để chỉ các doanh nhân quốc tế hoạt động như một đại lý tự do. Nhóm người này không nhất thiết phải có hệ thống khách hàng cụ thể và cũng không cần có chuyên môn về một loại sản phẩm hoặc lĩnh vực nhất định. Thay vào đó, họ sẽ mua sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất trong hoặc ngoài nước, sau đó đóng gói, vận chuyển và bán lại.
EMC (Export Management Company)
Thuật ngữ này dùng để chỉ các đơn vị quản lý xuất khẩu. EMC có vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài nhưng không nắm rõ quy tắc hoạt động.
Nhiệm vụ của EMC là:
- Thuê lại các đại lý, gửi hóa đơn cho khách hàng, người đại diện và nhà phân phối
- Xây dựng và thực hiện các chiến lược tiếp thị, quảng cáo và khuyến mại
- Giám sát đóng gói, đánh dấu vận chuyển, sắp xếp hợp đồng,…
ETC (Export Trading Company)
Thuật ngữ này dùng để chi các đơn vị thương mại xuất khẩu. Nếu EMC đảm nhiệm vai trò bán hàng thì ETC sẽ thu thập thị hiếu và nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Đơn vị ETC xác định những gì thương nhân nước ngoài muốn mua và tìm hiểu các nguồn cung trong nước quan tâm đến việc xuất khẩu. Họ đóng vai trò như một người “môi giới” và nhận hoa hồng từ các giao dịch thành công.
Xuất nhập khẩu được xem là lĩnh vực kinh doanh không bao giờ “hạ nhiệt” trong bối cảnh hiện đại. Mở rộng thị trường kinh doanh ra khỏi phạm vi lãnh thổ luôn là ước mong to lớn của nhiều doanh nghiệp. Với “Những điều cần biết về xuất nhập khẩu”, Tino Group hy vọng bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích để phát triển sự nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.
FAQs về xuất nhập khẩu
Kinh doanh xuất nhập khẩu có lợi nhuận không?
Tất nhiên là có! Rất nhiều doanh nghiệp đã làm giàu bằng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Để tăng khả năng sinh lời, bạn cần dành thời gian nghiên cứu về sản phẩm/hàng hóa và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Tìm hiểu kiến thức về kinh doanh xuất nhập khẩu và xác định tỷ suất sinh lời khi định giá sản phẩm cũng là điều cần thiết.
Thế nào là giấy phép xuất khẩu?
Giấy phép xuất khẩu là giấy phép do chính phủ cấp cho doanh nghiệp bạn để thực hiện các giao dịch xuất khẩu nhất định. Sau khi giao dịch xuất khẩu được xem xét và chấp thuận, doanh nghiệp sẽ được nhận giấy phép xuất khẩu từ cơ quan có thẩm quyền.
Nhập hàng cần những giấy tờ gì?
Giấy tờ nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào các quốc gia bạn đang thực hiện giao dịch nhập hàng. Thông thường, giấy phép nhập khẩu phải luôn có mẫu đơn nhập cảnh của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Quốc gia.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiếm lợi nhuận bằng cách nào?
Là một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bạn có thể kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm với tỷ lệ cao hơn mức giá bạn đã trả cho nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp.
Mọi thắc mắc và góp ý liên quan, xin vui lòng liên hệ ngay Tino Group để được tư vấn chi tiết hoặc Fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
Tinh gọn quy trình – chạm đỉnh doanh thu – Tino Group tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi số!
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO
- Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Tổng đài miễn phí: 1800 6734
- Email: info@tino.org
- Website: www.tino.org