startup-la-gi-cover

Startup là gì? 7 bước xây dựng một startup từ con số 0

Trong thời đại số, các startup đang làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về doanh nghiệp và sự đổi mới. Vậy chính xác startup là gì? Yếu tố nào ảnh hưởng đến startup? Làm thế nào để xây dựng startup bền vững? Mời bạn cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về startup qua bài viết dưới đây nhé!

Startup là gì?

Startup là những công ty vừa thành lập với mục tiêu phát triển một sản phẩm/dịch vụ độc đáo. Từ đó, startup sẽ đưa sản phẩm/dịch vụ của mình ra thị trường, biến chúng thành sự lựa chọn không thể thay thế cho khách hàng.

khai-niem-startup
Khái niệm Startup

Điểm đặc trưng của các startup là “trẻ”, năng động, không ngừng sáng tạo để tìm những giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực nhất định. Họ muốn thay đổi cách mọi người nghĩ và làm việc ở một ngành nghề nào đó. Vì thế, startup còn được mệnh danh là “những người phá vỡ quy tắc” trong lĩnh vực của mình.

Một số startup công nghệ nổi tiếng và có thị phần khủng trên thế giới là Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Google (Còn gọi là FAANG). Ngoài ra, những công ty như WeWork, Peloton hay Beyond Meat cũng là những ví dụ điển hình của startup.

(Định nghĩa dựa theo bài viết “What Is A Startup? The Ultimate Guide” của Rebecca Baldridge trên trang Forbes.com).

6 loại hình startup phổ biến hiện nay

Hiện nay, có nhiều loại hình startup khác nhau, mỗi loại có những đặc điểm và mục tiêu riêng. Dưới đây là 6 loại hình startup chính.

Startup có khả năng mở rộng quy mô (Scalable startups)

Loại hình startup này thường xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ. Mục tiêu của scalable startups là hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, lợi nhuận cao. Các startup này cần dành thời gian nghiên cứu thị trường để tìm kiếm cơ hội chưa được khai thác. Ví dụ: ứng dụng di động cho người dùng và doanh nghiệp. Để mở rộng quy mô, startup này cần nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Startup kinh doanh nhỏ (Small business startups)

Mục tiêu chính của small business startup là sự bền vững thay vì tốc độ “bành trướng thế lực” trên thị trường. Chủ doanh nghiệp thường tự bỏ vốn và phát triển theo tốc độ riêng. Ví dụ: tiệm cắt tóc, cửa hàng tạp hóa, đại lý du lịch, tiệm bánh. Nhiều startup này là doanh nghiệp gia đình.

Startup doanh nghiệp xã hội (Social entrepreneurship startups)

Khác với các loại hình khác, startup xã hội không tập trung vào lợi nhuận cho người sáng lập mà hướng đến thay đổi tích cực cho môi trường và xã hội. Ví dụ: tổ chức từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận. Loại hình này thường hoạt động nhờ quyên góp và tài trợ.

cac-loai-hinh-startup-pho-bien-hien-nay
Các loại hình Startup phổ biến hiện nay

Startup của công ty lớn (Large company startups)

Đây là các công ty lớn đã hoạt động lâu năm, nhưng vẫn tiếp tục tạo ra sản phẩm mới và đột phá. Họ có nguồn lực tài chính mạnh và có thể mở rộng quy mô theo nhu cầu thị trường.

Startup theo phong cách sống (Lifestyle startups)

Loại hình này phù hợp với những người muốn biến sở thích thành công việc kinh doanh. Chủ doanh nghiệp thường đề cao tính độc lập, dành thời gian, tiền bạc cho đam mê của mình. Ví dụ: trường dạy nhảy, công ty du lịch, lớp học lập trình online.

Startup để bán lại (Buyable startups)

Mục tiêu của loại hình này là xây dựng công ty để bán lại cho một công ty lớn hơn. Thông thường, buyable startups sẽ xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ và phần mềm.

5 ý tưởng khởi nghiệp dành cho các công ty startup

Nếu đang tìm kiếm kiếm nguồn cảm hứng để khởi nghiệp, bạn có thể tham khảo 5 ý tưởng mà Tino Group gợi ý dưới đây.

#1. Dịch vụ đi chợ trực tuyến

Đây là một trong những ý tưởng kinh doanh cực kỳ “hợp thời”. Với ý tưởng này, bạn chỉ cần một khoản vốn nhỏ, một phương tiện giao hàng và smartphone. Với nhịp sống bận rộn, nhiều người không có thời gian đi chợ. Vì vậy, dịch vụ đi chợ trực tuyến sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, công sức. Bạn có thể hợp tác với các cửa hàng tạp hoá, bách hoá địa phương để cung cấp đa dạng sản phẩm và chất lượng tốt.

#2. Xây dựng podcast

Nếu có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể cân nhắc xây kênh podcast. Những nội dung chất lượng và có giá trị sẽ được người nghe đánh giá cao cũng như tin tưởng vào uy tín của bạn. Không chỉ giúp bạn xây dựng mối quan hệ với người nghe, podcast còn loại bỏ chi phí liên quan đến các kênh truyền thông khác, như podcast “The Birth Hour” – nơi các host chia sẻ các câu chuyện sinh nở và lời khuyên cho các bà mẹ tương lai.

#3. Kinh doanh dropshipping

Dropshipping là mô hình kinh doanh hấp dẫn vì bạn không cần phải mua hàng tồn kho trước. Để bán các sản phẩm cao cấp với chi phí vận chuyển thấp và đạt lợi nhuận cao, bạn nên dành thời gian phân tích khả năng cạnh tranh. Ví dụ, Mooshe Socks – một store bán vớ đã áp dụng mô hình này để tăng cơ hội thành công khi kinh doanh.

cac-y-tuong-khoi-nghiep-danh-cho-startup
Các ý tưởng khởi nghiệp dành cho startup

#4. Ứng dụng hoặc trang web học trực tuyến

Nếu có kỹ năng giảng dạy và truyền đạt kiến thức, bạn có thể xây dựng một khóa học trực tuyến. Một số khóa học trực tuyến được nhiều người ưa chuộng hiện nay là dance, yoga, thiền, khoá học về ngôn ngữ, đầu tư,… Duolingo là ví dụ nổi bật cho ý tưởng khởi nghiệp bằng ứng dụng học trực tuyến. Trang web này giúp người học tìm hiểu các ngôn ngữ nước ngoài và kiểm tra trình độ ngôn ngữ của mình.

#5. Phát triển blog

Viết blog đang trở thành một ngành nghề kiếm tiền cực kỳ hấp dẫn. Bạn có thể kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo, viết bài tài trợ, tổ chức webinar, cung cấp dịch vụ cho độc giả và bán quảng cáo. Để thu hút người đọc, bạn hãy chọn một ngành mà mình quan tâm, có kiến thức để tạo ra những bài viết, video và truyền tải những câu chuyện hấp dẫn nhất.

3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của startup

Trước khi khởi nghiệp, điều quan trọng mà bạn phải hiểu rõ là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một startup. Dưới đây là 3 yếu tố quan trọng bạn cần cân nhắc.

#1. Vị trí

Vị trí có thể quyết định sự thành bại của một startup. Vì vậy, bạn cần xác định xem mình sẽ kinh doanh theo phương thức nào – kinh doanh trực tuyến, ngoại tuyến hay mở cửa hàng. Vị trí của startup phụ thuộc vào sản phẩm/dịch vụ mà công ty cung cấp. Ví dụ: Một công ty bơ đậu phộng có thể mở cửa hàng truyền thống để khách hàng dễ dàng trải nghiệm sản phẩm.

#2. Cấu trúc pháp lý

Việc hiểu rõ cấu trúc pháp lý phù hợp với yêu cầu tổ chức là điều cần thiết để xây dựng một công ty startup thành công. Nếu tự vận hành cửa hàng, bạn có thể áp dụng hình thức sở hữu cá nhân (sole proprietorship). Đối với công ty có nhiều hơn 1 thành viên, bạn hãy chọn phương án hợp tác (partnership). Để giảm thiểu trách nhiệm cá nhân, startup có thể đăng ký thành công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC).

cac-yeu-to-anh-huong-den-su-phat-trien-cua-startup
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của startup

#3. Vốn

Để bắt đầu hoạt động kinh doanh, startup cần có vốn. Bạn có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, như gọi vốn cộng đồng, thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, bạn cũng nên tạo một trang gọi vốn cộng đồng để nhận được sự đóng góp từ mọi người hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư khác. Để phát triển, doanh nghiệp có thể tập trung vào các khoản vay nhỏ. Để đủ điều kiện nhận vốn, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kế hoạch và chiến lược chi tiết.

7 bước xây dựng startup thành công

Dưới đây là 7 bước giúp bạn xây dựng một startup thành công từ con số 0.

Bước 1: Xác định ý tưởng kinh doanh

Một ý tưởng hay chính là nền tảng cho sự thành công của startup. Để xác định ý tưởng, bạn có thể tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng. Bạn có thể nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu, mong muốn và tiềm năng phát triển cho sản phẩm của mình.

Bước 2: Phát triển kế hoạch kinh doanh

Có ý tưởng hay là chưa đủ, bạn cần xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết. Kế hoạch này bao gồm:

  • Mục tiêu của doanh nghiệp.
  • Cách thức chinh phục mục tiêu.
  • Bản phác thảo tương lai của doanh nghiệp.
  • Chiến lược kinh doanh.

Trên thực tế, sở hữu một kế hoạch kinh doanh rõ ràng sẽ là chiếc chìa khóa để doanh nghiệp thu hút nguồn vốn và xây dựng startup bền vững hơn.

Bước 3: Đảm bảo đủ nguồn vốn

Khi kinh doanh, bạn không thể xác định một con số nào cụ thể. Vì chi phí khởi nghiệp sẽ khác nhau tùy vào lĩnh vực, ngành nghề mà bạn muốn phát triển. Dựa vào loại hình kinh doanh cũng như sản phẩm/dịch vụ, bạn có thể cần ít hoặc nhiều vốn hơn. Thông thường, nguồn vốn ban đầu của các startup là những khoản tiết kiệm cá nhân. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm nguồn vô từ crowdfunding, nhà đầu tư mạo hiểm hoặc vay ngân hàng.

Bước 4: Chọn đúng nhân tài

Đội ngũ nhân sự chất lượng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một startup. Chính vì thế, bạn nên tuyển dụng những người mình thật sự tin cậy và họ phải có đủ năng lực. Số lượng nhân viên phụ thuộc vào quy mô và đặc thù của doanh nghiệp.

Bước 5: Chọn địa điểm và thiết kế website

Để dễ dàng tiếp cận khách hàng, bạn có thể xây dựng một cửa hàng vật lý và tạo trang web trực tuyến. Hiện nay, bạn tốt nhất nên tập trung xây dựng một website chuyên nghiệp. Đây là cách giúp bạn quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng và tạo dựng hình ảnh thương hiệu hiệu quả.

cac-buoc-xay-dung-startup-thanh-cong
Các bước xây dựng startup thành công

Bước 6: Tận dụng Digital Marketing

Marketing là yếu tố không thể thiếu để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng. Bạn có thể sử dụng một số kênh Marketing, như SEO, Content Marketing, Social Media, Email Marketing và quảng cáo trả phí. Đây là những kênh tiếp thị hàng đầu hiện nay, giúp bạn thu hút và chuyển đổi khách hàng cực kỳ hiệu quả.

Bước 7: Xây dựng cơ sở khách hàng

Sau khi xây dựng website và thực hiện các hoạt động Marketing, bạn cần tập trung vào việc tạo cơ sở khách hàng trung thành. Cung cấp sản phẩm chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt là cách tốt nhất để khuyến khích người tiêu dùng quay lại.

Nhìn chung, khởi nghiệp không đơn thuần là việc thành lập một doanh nghiệp mới, mà còn là hành trình tìm kiếm và hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ startup là gì cũng như cách xây dựng một startup thành công. Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bằng cách theo dõi Tino Group ngay bạn nhé!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Rebecca Baldridge. (2024, Jun 3). What Is A Startup? The Ultimate Guide. Forbes.com. https://www.forbes.com/advisor/business/what-is-a-startup/
  2. Indeed Editorial Team. (2022, December 14). What Is A Startup? (With Definition, Types And Advantages). Indeed.com. https://in.indeed.com/career-advice/career-development/what-is-a-startup
  3. SendPulse. Startup. Sendpulse.com. https://sendpulse.com/support/glossary/startup

Những câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để quản lý rủi ro trong startup?

Quản lý rủi ro bằng cách phân tích và dự đoán các nguy cơ tiềm ẩn, phát triển kế hoạch dự phòng, linh hoạt điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.

Tại sao nhiều startup thất bại?

Nhiều startup thất bại do thiếu vốn, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thị trường, chiến lược kinh doanh không hiệu quả, hoặc quản lý kém.

Khi nào một startup nên gọi vốn đầu tư?

Startup nên gọi vốn khi có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm chứng trên thị trường, cần vốn để mở rộng quy mô hoặc cải tiến sản phẩm.

Làm thế nào để bảo vệ ý tưởng kinh doanh?

Bạn có thể bảo vệ ý tưởng kinh doanh bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin bằng các thỏa thuận không tiết lộ (NDA) và xây dựng thương hiệu mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh.

📛CẢNH BÁO: MẠO DANH TINO GROUP LỪA ĐẢO - CẬP NHẬT THỦ ĐOẠN MỚI NĂM 2024 📛
This is default text for notification bar