tai-sao-gojek-dung-hoat-dong-cover

Tại sao Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam? Câu chuyện đằng sau lời chia tay của ứng dụng gọi xe Indonesia

Sau 6 năm hoạt động, Gojek – ứng dụng gọi xe của Indonesia chính thức nói lời chia tay với thị trường Việt Nam từ ngày 16/9/2024. Dù gây tiếc nuối nhưng quyết định của Gojek không quá bất ngờ vì trước đó, Baemin – đối thủ khác trong lĩnh vực gọi xe giao thức ăn nhanh cũng đã ngậm ngùi rút lui. Vậy tại sao Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam? Cơ hội và thách thức mà các ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam là gì? Mời bạn cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Gojek – “từng là” ứng dụng được ưa chuộng tại Việt Nam

Ngày 5/8/2020, GoViet đổi tên thành Gojek và bắt đầu lại hành trình hoạt động tại thị trường Việt Nam. Gojek sở hữu một diện mạo hoàn toàn mới, từ màu sắc, logo cho đến ứng dụng. Khách hàng Việt Nam có thể sử dụng các dịch vụ như gọi xe (GoRide), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood) trên ứng dụng Gojek.

gojek-tung-la-ung-dung-duoc-ua-chuong-tai-viet-nam
Gojek từng là ứng dụng được ưa chuộng tại Việt Nam

Sự thay đổi này được biết đến như một phần trong chiến lược dài hạn của Gojek. Mục tiêu của thương hiệu là hướng đến sự đổi mới, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Không chỉ có giao diện trực quan, ứng dụng còn được cải tiến nhiều tính năng hiện đại, bảo mật tốt hơn. Ông Phùng Tuấn Đức – Tổng Giám đốc Gojek tại Việt Nam nhấn mạnh sự hợp nhất này không đơn thuần là thay đổi thương hiệu, mà còn tạo ra một ứng dụng được xây dựng trên nền tảng công nghệ tân tiến, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Gojek tại thị trường Việt Nam.

Tại sao Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam?

Sau Uber, Baemin, Gojek là cái tên tiếp theo tuyên bố “rút khỏi cuộc chơi” tại thị trường Việt Nam. Theo thông báo từ người đại diện, Gojek sẽ chính thức đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9/2024. Gojek cho biết, quyết định này được thực thi nhằm đáp ứng chiến lược tăng trưởng dài hạn của Công ty mẹ GoTo – một tập đoàn công nghệ có trụ sở chính tại Indonesia. Bên cạnh đó, có 5 lý do chính khiến Gojek phải nói lời tạm biệt thị trường Việt Nam.

#1. Tập trung vào các thị trường trọng điểm

Như đã chia sẻ, quyết định rút lui của Gojek tại Việt Nam nằm trong chiến lược toàn cầu của công ty mẹ GoTo. Hiện tại, GoTo đang tập trung phát triển 2 thị trường trọng điểm là Indonesia và Singapore – nơi thương hiệu đạt được những kết quả ấn tượng. Tại Indonesia, Gojek ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch và số đơn hàng hoàn thành vượt trội. Vì vậy, việc rời khỏi các thị trường nhỏ như Việt Nam (trước đó là Thái Lan) giúp Gojek tập trung nguồn lực vào các khu vực có tiềm năng phát triển bền vững hơn.

#2. Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ lớn

Một trong những lý do hàng đầu khiến Gojek rời khỏi thị trường Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ lớn. Những “ông lớn” hiện đang thống trị thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam là Grab và ShopeeFood, mới đây là tân binh Xanh SM. Theo báo cáo,, GrabFood chiếm đến 47% và ShopeeFood 45% thị trường giao đồ ăn, trong khi đó, GoFood của Gojek chỉ nằm vỏn vẹn ở 3%. Thực trạng này đã khiến Gojek gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, buộc họ phải rút lui để tập trung vào các thị trường mạnh hơn.

tai-sao-gojek-dung-hoat-dong-tai-viet-nam
Tại sao Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam?

#3. Thị phần thấp, khó mở rộng tại Việt Nam

Dù đã có những nỗ lực mạnh mẽ khi gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2020, thị phần của Gojek vẫn duy trì ở mức thấp. Trong mảng dịch vụ gọi xe, Gojek chỉ chiếm 7% tổng số chuyến xe, thấp hơn nhiều so với các đối thủ như Grab và Be. Ngoài ra, các chương trình khuyến mại của Gojek chỉ hấp dẫn khách hàng trong thời gian đầu mà không đủ khả năng giữ chân họ. Do không thể mở rộng thị phần cũng như đạt được sự phát triển bền vững, Gojek đã quyết định dừng hoạt động tại Việt Nam.

#4. Chịu hậu quả từ đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghệ gọi xe và giao hàng. Gojek cũng không ngoại lệ. Trong giai đoạn năm 2021 và 2022, tình hình hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Đại dịch đã khiến Gojek phải thu nhỏ quy mô hoạt động và giảm số lượng dịch vụ. Đây là một trong những yếu tố khiến họ dần mất vị thế tại thị trường Việt Nam, dẫn đến quyết định rút lui.

#5. Sự thay đổi liên tục từ ban lãnh đạo

Sự thiếu ổn định trong bộ máy lãnh đạo của Gojek tại Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến cho công ty dừng hoạt động. Được biết, Gojek đã có đến 4 lần thay đổi CEO. Không chỉ làm gián đoạn chiến lược phát triển của công ty, sự thay đổi này còn khiến Gojek khó nhất quán trong việc điều hành và mở rộng kinh doanh. Hơn hết, tình trạng này còn làm suy yếu vị thế của Gojek trên thị trường.

Nhìn chung, việc Gojek quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm cả yếu tố nội tại và ngoại cảnh. Dù là một quyết định đáng tiếc, nhưng điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp gọi xe và giao thức ăn. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong thị trường này cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Cơ hội và thách thức của ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam

Câu chuyện Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn và bài học cho ngành công nghệ gọi xe, giao thức ăn trực tuyến. Qua đó, Tino Group đã rút ra một số cơ hội và thách thức sau.

Cơ hội

  • Cơ hội mở rộng thị phần cho các đối thủ: Sau khi Gojek và Baemin rút lui, thị phần sẽ được chia đều cho các đối thủ còn lại như Grab, Be. Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp này mở rộng quy mô kinh doanh, tăng cường vị thế trên thị trường và thu hút thêm khách hàng.
  • Thúc đẩy đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ: Để cạnh tranh và giữ chân khách hàng, các doanh nghiệp sẽ phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình, như đa dạng hóa dịch vụ, cải thiện trải nghiệm người dùng, ứng dụng công nghệ mới,…
  • Thu hút đầu tư: Việc thị trường có nhiều tiềm năng phát triển sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong ngành có thể tiếp cận được nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư vào công nghệ mới.
  • Phát triển các mô hình kinh doanh mới: Sự ra đi của Gojek và Baemin tạo ra khoảng trống trên thị trường, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng.
co-hoi-cua-ung-dung-goi-xe-tai-thi-truong-viet-nam
Cơ hội của ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam

Thách thức

  • Cạnh tranh khốc liệt: Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng khốc liệt khi thị trường trở nên tập trung hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực lớn về giá cả, chất lượng dịch vụ và chi phí Marketing.
  • Áp lực từ các quy định của nhà nước: Ngành công nghiệp gọi xe và giao thức ăn đang phải đối mặt với nhiều quy định chặt chẽ từ phía nhà nước. Các doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ những quy định này, đồng thời cần linh hoạt thích ứng với những thay đổi trong chính sách.
  • Vấn đề về nhân lực: Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường, các doanh nghiệp cần phải tuyển dụng và đào tạo một lượng lớn nhân sự. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và giữ chân nhân tài là một thách thức không nhỏ.
  • Nguy cơ bong bóng: Sức nóng của thị trường có thể dẫn đến tình trạng bong bóng. Khi bong bóng vỡ, các doanh nghiệp yếu kém sẽ bị loại bỏ, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ thị trường.
thach-thuc-cua-ung-dung-goi-xe-tai-thi-truong-viet-nam
Thách thức của ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam

Quyết định dừng hoạt động của Gojek tại Việt Nam phản ánh cả những thách thức nội tại lẫn sự cạnh tranh gay gắt trong ngành. Dù sắp phải rời đi, hành trình của Gojek vẫn để lại nhiều bài học có giá trị cho các doanh nghiệp khác khi muốn tham gia thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng không ít khó khăn này.

Tino Group hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn giải đáp được thắc mắc: “Tại sao Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam?”. Hãy tiếp tục theo dõi Tino Group để đón đọc thêm những thông tin thị trường mới nhất bạn nhé!

Những câu hỏi thường gặp

Khi nào Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam?

Gojek chính thức dừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 16/9/2024.

Gojek có hỗ trợ cho đối tác sau khi dừng hoạt động không?

Gojek cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các đối tác tài xế, nhà hàng và nhân viên trong quá trình chuyển tiếp.

Gojek có kế hoạch quay lại Việt Nam trong tương lai không?

Hiện tại, Gojek không công bố bất kỳ kế hoạch nào về việc quay lại thị trường Việt Nam.

Gojek có hoạt động ở các nước khác không?

Gojek vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ ở các thị trường trọng điểm như Indonesia và Singapore.

📛CẢNH BÁO: MẠO DANH TINO GROUP LỪA ĐẢO - CẬP NHẬT THỦ ĐOẠN MỚI NĂM 2024 📛
This is default text for notification bar