Tên thương hiệu là gì? Tại sao một cái tên lại có thể tạo nên sự khác biệt lớn đến vậy cho sản phẩm/dịch vụ? Làm thế nào đặt tên thương hiệu hiệu quả? Trong bài viết dưới đây, Tino Group sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về tên thương hiệu. Mời bạn cùng đón đọc ngay nhé!
Tên thương hiệu là gì?
Theo bài viết: “Brand Name” trên trang Managementstudyguide.com, tên thương hiệu (Brand Name) là cái tên đặc biệt mà doanh nghiệp đặc cho thương hiệu của mình. Yếu tố này giúp khách hàng phân biệt sản phẩm của bạn với các sản phẩm khác trên thị trường. Tên thương hiệu phản ánh thông điệp, chủ đề chính mà doanh nghiệp muốn hướng đến nên cần được chọn lựa kỹ lưỡng.
Một tên thương hiệu tốt phải dễ nhớ, dễ đọc và truyền tải được đặc điểm chính của sản phẩm. Có thể nói, tên thương hiệu ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của một doanh nghiệp.
Tên thương hiệu có thể là bấy kỳ thứ gì, từ tên người, địa điểm, động vật cho đến những từ ngữ sáng tạo, không liên quan trực tiếp đến sản phẩm.
Ví dụ: “Air India” – sử dụng tên địa điểm, “Dove” – dùng tên loài chim, “General Electric” – dùng chính tên công ty cho mọi sản phẩm.
8 nguyên tắc “vàng” khi xây dựng tên thương hiệu
Trên thực tế, việc xây dựng tên thương hiệu phải đáp ứng đủ 8 nguyên tắc sau.
#1. Mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm/dịch vụ
Một cái tên hay có thể giúp sản phẩm/dịch vụ của bạn trở nên đặc biệt và có giá trị hơn trong mắt khách hàng. Tương tự như việc bạn sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho một chai Aquafina so với nước máy. Vì Aquafina gắn liền với chất lượng và sự tinh khiết của nước suối.
#2. Dễ nhớ
Khi muốn giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, khách hàng thường nhắc đến tên thương hiệu. Vì vậy, tên thương hiệu của bạn phải dễ nhớ, dễ đọc và dễ phát âm. Nếu không nhớ được tên sản phẩm của bạn, khách hàng sẽ khó lòng tìm lại và giới thiệu cho người khác.
#3. Đảm bảo tính độc đáo
Trong một thị trường cạnh tranh, tên thương hiệu của bạn cần phải nổi bật và khác biệt so với đối thủ. Đây là cách giúp khách hàng dễ dàng nhận diện cũng như phân biệt sản phẩm của bạn.
#4. Sáng tạo theo cách riêng
Bạn có thể tạo ra một cái tên hoàn toàn mới, không có ý nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, cái tên này cần được xây dựng và gắn liền với những giá trị, ý nghĩa mà bạn muốn truyền tải thông qua các chiến dịch Marketing.
#5. Phù hợp với nhiều thị trường
Tên thương hiệu nên linh hoạt và có thể sử dụng được nhiều thị trường khác nhau, kể cả những thị trường có ngôn ngữ, văn hoá khác biệt.
#6. Tập trung vào lợi ích
Thay vì chỉ mô tả sản phẩm, bạn có thể chọn một cái tên thể hiện lợi ích mà sản phẩm mang lại cho khách hàng. Cách đặt tên này giúp thương hiệu bạn dễ dàng hiện diện trong tâm trí của người tiêu dùng.
#7. Không ràng buộc với một sản phẩm duy nhất
Một tên thương hiệu tốt thường sẽ đủ linh hoạt để bạn có thể mở rộng kinh doanh sang các sản phẩm/dịch vụ khác trong tương lai.
#8. Dễ đăng ký
Bạn cần đảm bảo tên thương hiệu của mình có thể được đăng ký bảo hộ và không vi phạm bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào.
7 lỗi thường gặp khi đặt tên thương hiệu
Khi đặt tên thương hiệu, việc tránh những lỗi phổ biến rất quan trọng để đảm bảo thương hiệu bạn đủ nổi bật và dễ nhớ. Dưới đây là 7 lỗi thường gặp khi đặt tên thương hiệu mà bạn nên tránh để tạo nên một thương hiệu mạnh và bền vững.
#1. Cố gắng truyền tải quá nhiều thông điệp
Tên thương hiệu không thể truyền tải toàn bộ thông tin về doanh nghiệp của bạn. Khách hàng sẽ hiểu rõ hơn về bạn thông qua những câu chuyện và thông điệp mà bạn truyền tải thay vì chỉ trong một cái tên.
#2. Quá rõ ràng
Trên thực tế, việc đặt tên quá rõ ràng có thể khiến thương hiệu trở nên nhàm chán và khó nhớ. Ví dụ, một công ty vận chuyển nhà có tên là “Moving Company” sẽ không nổi bật bằng cái tên “2 Men and A Truck”. Vì vậy, bạn nên kết hợp hài hoà giữa tính trực quan và độ độc đáo của cái tên trên thị trường.
#3. Tên quá dài
Tên thương hiệu dài thường khó nhớ và dễ bị hiểu sai. Ngoài ra, cái tên quá dài cũng khiến người dùng gặp khó khăn khi tìm kiếm trên Google.
#4. Khó đọc, khó phát âm
Bạn nên tránh những tên thương hiệu khó đọc hoặc phát âm. Đây là cách giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và nhớ đến thương hiệu của bạn.
#5. Theo đuổi xu hướng ngắn hạn
Đặt tên theo xu hướng tạm thời có thể hấp dẫn nhưng dễ lỗi thời. Vì vậy, bạn nên chọn một cái tên trường tồn với thời gian và vẫn phù hợp trong nhiều năm tới.
#6. Giống hoặc quá giống đối thủ
Bạn hãy tránh chọn tên thương hiệu tương tự với sản phẩm hoặc doanh nghiệp khác. Cách chọn tên này có thể khiến bạn gặp rắc rối về quyền sở hữu trí tuệ và khiến khách hàng nhầm lẫn.
#7. Không phù hợp văn hóa hoặc có ý nghĩa khác
Bạn cần tránh những tên thương hiệu có thể gây hiểu lầm hoặc phản cảm trong một số nền văn hóa.
8 bước đặt tên thương hiệu hiệu quả
Không đơn thuần là nghĩ ra một cái tên, đặt tên thương hiệu còn là một hành trình dài. Dưới đây là 8 bước đặt tên thương hiệu hiệu quả.
#1. Xác định mục đích của tên thương hiệu
Tên thương hiệu là gì? Đó là lời hứa ngắn gọn về những gì bạn mang đến cho khách hàng. Ví dụ: Nếu bạn muốn tạo một ứng dụng giúp mọi người học ngôn ngữ mới, mục tiêu của bạn là “giúp mọi người học ngôn ngữ một cách dễ dàng và hiệu quả”.
#2. Định nghĩa cốt lõi thương hiệu
Cốt lõi thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp. Về cơ bản, cốt lõi thương hiệu là những giá trị, niềm tin và sứ mệnh mà bạn muốn truyền tải. Ví dụ: Apple nổi tiếng với sự sáng tạo, đơn giản và trải nghiệm người dùng tuyệt vời.
#3. Định hình bản sắc thương hiệu
Trong bước tiếp theo, bạn cần định hình bản sắc của thương hiệu. Bản sắc thương hiệu là hình ảnh mà bạn muốn khách hàng nhớ đến. Ví dụ: Một thương hiệu thời trang cao cấp sẽ có bản sắc sang trọng, tinh tế, trong khi một thương hiệu thể thao sẽ mang đến cảm giác năng động, trẻ trung.
#4. Tạo hình tượng khách hàng
Sau khi nhận diện được bản sắc thương hiệu, bước tiếp theo bạn cần làm là xác định rõ đối tượng khách hàng của mình. Ví dụ: Nếu bạn bán sản phẩm làm đẹp, đối tượng của bạn có thể là phụ nữ từ 25-35 tuổi, quan tâm đến làn da khỏe mạnh.
#5. Xây dựng ý tưởng và brainstorm các tên thương hiệu
Để gây ấn tượng mạnh mẽ trong mắt khách hàng, bạn hãy tìm kiếm những từ ngữ, cụm từ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, giá trị cốt lõi và đối tượng khách hàng. Ví dụ: Từ “Green” (xanh) cho một thương hiệu sản phẩm hữu cơ.
#6. Kiểm tra tính khả dụng của thương hiệu
Bước quan trọng để tránh tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là bạn cần kiểm tra kỹ tên thương hiệu đã chọn. Bên cạnh những tiêu chí như dễ đọc, dễ nhớ, dễ viết, tên thương hiệu của bạn phải đảm bảo không trùng lặp với các thương hiệu khác, có thể đăng ký bảo hộ.
#7. Thử nghiệm tên thương hiệu
Bạn có thể hỏi ý kiến bạn bè, người thân hoặc thực hiện khảo sát để xem khách hàng nghĩ gì về tên thương hiệu của mình. Ví dụ: “Bạn có thấy tên này ấn tượng và dễ nhớ không?”.
#8. Chọn tên cuối cùng
Dựa trên kết quả nghiên cứu, bạn có thể chọn tên thương hiệu phù hợp nhất, thể hiện được bản sắc và giá trị của doanh nghiệp. Ví dụ: Nếu muốn mở một quán cà phê mang hơi hướng truyền thống, bạn có thể chọn tên “Cà phê Ngoại ô”.
Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ tên thương hiệu là gì cũng như cách xây dựng tên thương hiệu hiệu quả. Hãy tiếp tục theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Persona Design. What’s in a Brand Name? Top 8 Successful Naming Principles Explained. Personadesign.ie. https://www.personadesign.ie/whats-in-a-brand-name-top-8-successful-naming-principles-explained/
- Brandwell. (2023, Jun 27). How to Choose a Brand Name in 8 Steps. Brandwell.com.au. https://brandwell.com.au/how-to-choose-a-brand-name-in-8-steps/
- Katy French. How to Choose Your Brand Name in 5 Simple Steps. Columnfivemedia.com. https://www.columnfivemedia.com/how-to-choose-a-brand-name/
- MSG. Brand Name. Managementstudyguide.com. https://www.managementstudyguide.com/brand-name.htm
Những câu hỏi thường gặp
Tên thương hiệu nên ngắn hay dài?
Tên thương hiệu nên ngắn gọn, dễ nhớ và dễ phát âm. Những tên dài thường khó nhớ và khó tìm kiếm trên mạng.
Có nên sử dụng tên cá nhân làm tên thương hiệu không?
Có thể sử dụng tên cá nhân nếu nó có ý nghĩa đặc biệt hoặc dễ nhớ. Tuy nhiên, cần xem xét tính bền vững và khả năng mở rộng của tên cá nhân trong tương lai.
Có nên thay đổi tên thương hiệu sau khi đã hoạt động một thời gian?
Thay đổi tên thương hiệu có thể gây ra sự nhầm lẫn và mất đi sự nhận diện đã xây dựng. Tuy nhiên, nếu tên hiện tại không còn phù hợp hoặc gây ra vấn đề, có thể cân nhắc thay đổi kèm theo chiến dịch truyền thông phù hợp.
Có nên sử dụng từ viết tắt làm tên thương hiệu không?
Có thể sử dụng từ viết tắt nếu nó dễ nhớ và có ý nghĩa đặc biệt với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần tránh các từ viết tắt khó hiểu hoặc dễ gây nhầm lẫn.