Bạn đã từng bị mê hoặc bởi một câu chuyện đến mức không thể rời mắt? Đó chính là sức mạnh của storytelling trong Marketing. Vậy, Content Storytelling là gì và tại sao loại hình này lại trở thành xu hướng tạo nội dung hấp dẫn nhất hiện nay? Trong bài viết này, Tino Group sẽ giúp bạn khám phá bí quyết kể chuyện giúp thương hiệu tạo kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh. Mời bạn cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Content Storytelling là gì?
Theo bài viết: “6 Types of Content Marketing for Engaging Storytelling” trên trang The Breezy Company, Content Storytelling là nghệ thuật sử dụng câu chuyện để truyền tải thông điệp trong nội dung Marketing, nhằm thu hút sự chú ý và tạo kết nối cảm xúc với khách hàng.
Bộ não con người vốn được “lập trình” để phản ứng tích cực với các câu chuyện. Điều này khiến cho storytelling trở thành một công cụ không thể thiếu đối với sự thành công của các chiến dịch Marketing.
Khi nội dung được lồng ghép khéo léo với những câu chuyện ý nghĩa, người đọc không chỉ bị cuốn hút mà còn sẵn sàng tương tác sâu hơn với thương hiệu. Thông qua storytelling, bạn có thể dẫn dắt khách hàng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ đó tác động đến hành vi và quyết định của họ. Đó chính là cách mà storytelling giúp bạn cải thiện mối quan hệ với khách hàng, thuyết phục họ trở thành người mua hàng và gắn bó lâu dài với thương hiệu.
Tuy nhiên, để storytelling đạt hiệu quả, bạn cần lựa chọn đúng loại nội dung và hình thức thể hiện phù hợp. Một câu chuyện được kể đúng cách không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn xây dựng nên một hình ảnh thương hiệu đáng nhớ, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng.
4 yếu tố chính trong Content Storytelling
Trong Content Storytelling, việc xây dựng một câu chuyện hấp dẫn không chỉ là nghệ thuật mà còn là chiến lược để kết nối với khách hàng. 4 yếu tố sau là nền tảng quan trọng giúp bạn tạo nên những nội dung lôi cuốn và tác động mạnh mẽ đến người đọc.
1. Nhân vật chính
Mọi câu chuyện hay đều bắt đầu với một nhóm nhân vật chính. Thông thường, câu chuyện bao gồm:
- Anh hùng: Nhân vật chính đối mặt với một vấn đề và bắt đầu hành trình để giải quyết nó.
- Người hỗ trợ: Người bạn đồng hành, người cổ vũ, luôn giúp đỡ anh hùng đứng dậy mỗi khi gặp khó khăn.
- Phản diện: Nhân vật cản trở anh hùng đạt được cái kết viên mãn.
Trong Content Marketing, những nhân vật này cũng có vai trò tương tự:
- Anh hùng: Là khách hàng lý tưởng của bạn. Họ đang gặp phải một vấn đề và cần sự giúp đỡ để vượt qua.
- Người hỗ trợ: Chính là doanh nghiệp của bạn, đóng vai trò như một người bạn thân hoặc “bà tiên đỡ đầu” hướng dẫn khách hàng trong hành trình giải quyết vấn đề.
- Phản diện: Không nhất thiết phải là một nhân vật xấu xa. Trong storytelling kinh doanh, phản diện thường chính là vấn đề mà khách hàng đang gặp phải.
2. Vấn đề
Không ai mong muốn cuộc sống đầy rẫy khó khăn, nhưng thực tế, chính những thử thách mới thúc đẩy chúng ta phát triển. Thực tế này cũng được áp dụng cho storytelling trong Content Marketing. Một câu chuyện luôn cần có vấn đề hoặc xung đột để thúc đẩy diễn biến.
Khách hàng của bạn có thể đang vật lộn với tình trạng nghẽn băng thông, tìm kiếm tên miền giá rẻ hoặc cần khắc phục lỗi khi sử dụng VPS. Dù là bất kỳ vấn đề gì, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn chính là “chìa khóa vàng” giúp họ vượt qua thử thách.
3. Cốt truyện
Không có bất kỳ điều gì mang lại giá trị mà dễ dàng có được. Dù mục tiêu của bạn là một tên miền chất lượng hay doanh thu 8 con số, khách hàng đều cần một cốt truyện rõ ràng. Doanh nghiệp của bạn đóng vai trò “bà tiên đỡ đầu,” hướng dẫn khách hàng từng bước. Một Content Storytelling thành công thường có cốt truyện mạch lạc, logic và cung cấp giải pháp (sản phẩm hoặc dịch vụ) phù hợp để giúp khách hàng đạt được mục tiêu.
4. Kết quả
Yếu tố cuối cùng trong storytelling là kết quả. Sau khi vượt qua “sói dữ” và “táo độc”, anh hùng cuối cùng cũng đạt được mục tiêu của mình. Trong Content Marketing, bạn nên sử dụng yếu tố này để phác họa một viễn cảnh tích cực mà khách hàng sẽ nhận được sau khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Đó có thể là cơ hội tăng trưởng doanh thu, hiệu suất làm việc của nhân sự được cải thiện hoặc khả năng thuyết phục khách hàng hiệu quả.
6 loại Content Storytelling giúp câu chuyện hấp dẫn hơn
Để tạo nên một câu chuyện hấp dẫn trong Content Storytelling, bạn cần tận dụng các định dạng sáng tạo và gần gũi. Dưới đây là 6 loại nội dung giúp câu chuyện của bạn thêm sinh động và lôi cuốn.
1. Infographics
Infographics kết hợp thông tin, dữ liệu và hình ảnh để truyền tải ý tưởng phức tạp một cách dễ hiểu và hấp dẫn. Định dạng này rất lý tưởng để trình bày thông tin dựa trên số liệu, giúp khán giả tiếp cận nội dung nhanh chóng. Với thiết kế bắt mắt, infographics dễ dàng thu hút người xem và khuyến khích chia sẻ trên mạng xã hội, giúp tăng tương tác hiệu quả.
2. Video
Video là một trong những định dạng phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay. Từ video kể chuyện, video cung cấp thông tin đến video hậu trường vui nhộn, định dạng này cho phép thương hiệu kết nối cảm xúc, tạo ấn tượng sâu sắc. Không chỉ mang tính giải trí, video còn dễ dàng truyền tải thông điệp, giúp thương hiệu xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng.
3. Podcast
Podcast là kênh kể chuyện độc đáo qua âm thanh, tạo sự kết nối cá nhân với thính giả. Đối với podcast, thính giả có thể nghe khi đang là những việc khác. Vì vậy, đây là loại nội dung phù hợp với những thính giả hiện đại, bận rộn với guồng quay công việc. Với giọng nói chân thực, nội dung hấp dẫn, podcast giúp thương hiệu xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với thính giả.
4. Blog
Hiện nay, blog vẫn là phương tiện mạnh mẽ để bạn chia sẻ những nội dung sâu sắc và chi tiết. Thông qua những bài viết chỉn chu, hấp dẫn, blog cho phép thương hiệu kể những câu chuyện chạm đến cảm xúc, cung cấp kiến thức giá trị và thể hiện chuyên môn. Đây là cách tốt nhất để doanh nghiệp khẳng định uy tín trong ngành và kết nối với độc giả hiệu quả.
5. Social Media Stories
Stories trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram hay Facebook là dạng nội dung ngắn, chỉ tồn tại trong 24 giờ. Đây là nơi lý tưởng để chia sẻ những khoảnh khắc hàng ngày, nội dung hậu trường hoặc các thông báo thú vị. Sự nhanh gọn, gần gũi của Stories giúp thương hiệu dễ dàng tương tác và kết nối với khách hàng.
6. User-Generated Content (UGC)
UGC là một giải pháp tiếp thị mà chính khách hàng sẽ chia sẻ trải nghiệm thực tế của mình với sản phẩm/dịch vụ. Giải pháp này tạo nên sự chân thực, củng cố niềm tin từ người cộng đồng người tiêu dùng. Thương hiệu có thể tận dụng những câu chuyện từ khách hàng để tăng độ tin cậy, xây dựng hình ảnh và thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với đối tượng mục tiêu.
5 bước làm chủ nghệ thuật Content Storytelling
Không đơn thuần là công cụ tiếp thị, Content Storytelling còn là nghệ thuật kết nối cảm xúc với khán giả. Khi được sử dụng đúng cách, giải pháp này còn giúp truyền tải câu chuyện thương hiệu mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng lớn. Dưới đây là 5 bước thực hiện Content Storytelling chuẩn chỉn.
1. Xác định các yếu tố cốt lõi trong storytelling
Mỗi câu chuyện đều có những thành phần cơ bản. Trong Marketing cũng thế, việc cá nhân hóa các thành phần để phù hợp với thương hiệu rất quan trọng, cụ thể như sau:
- Nhân vật chính (Hero): Xác định khách hàng lý tưởng của bạn. Họ là ai? Họ thích gì, ghét gì và mục tiêu của họ là gì? Việc hiểu rõ khách hàng giúp bạn xây dựng câu chuyện gần gũi hơn.
- Vấn đề (Problem): Làm rõ những khó khăn mà khách hàng đang đối mặt. Vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc, tinh thần hay cuộc sống của họ?
- Hành trình (Journey): Mô tả con đường khách hàng cần đi qua để giải quyết vấn đề. Họ sẽ gặp những thử thách gì và làm thế nào để thương hiệu của bạn đóng vai trò hỗ trợ trong hành trình này?
- Kết thúc có hậu (Happily Ever After): Giúp khách hàng hình dung kết quả tích cực mà họ đạt được sau khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
2. Xây dựng câu chuyện thương hiệu
Sau khi xác định các yếu tố trên, bạn hãy kết nối chúng thành một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn. Một cách hiệu quả là kể câu chuyện của chính bạn – về hành trình người sáng lập thương hiệu vượt qua khó khăn và tìm ra giải pháp. Những câu chuyện như vậy thường tạo cảm giác chân thực, truyền cảm hứng và xây dựng niềm tin với khách hàng.
3. Sử dụng câu chuyện từ khách hàng
Câu chuyện từ khách hàng thực tế luôn có sức mạnh thuyết phục cao. Vậy nên, bạn có thể thu thập và chia sẻ những phản hồi tích cực hoặc trải nghiệm thực tế từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Không chỉ giúp tăng sự uy tín, những câu chuyện này còn giúp khách hàng tiềm năng dễ dàng hình dung giá trị thực sự mà thương hiệu mang lại.
4. Xây dựng kết nối cảm xúc thông qua nội dung
Một câu chuyện hay không chỉ dừng lại ở việc giải thích mà còn phải chạm đến cảm xúc của khán giả. Khi kết hợp các yếu tố cảm xúc như niềm tin, hy vọng, sự đồng cảm, hạnh phúc, câu chuyện của bạn sẽ trở nên sâu sắc hơn. Mối liên kết cảm xúc chính là chìa khóa để biến khách hàng thành người trung thành với thương hiệu.
5. Tận dụng storytelling trong mọi nội dung
Bạn có thể đan xen storytelling vào các chiến lược nội dung, từ bài viết blog, video đến bài đăng trên mạng xã hội. Một câu chuyện mạch lạc, nhất quán sẽ giúp thương hiệu nổi bật, dễ nhớ và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khách hàng.
Bạn đã sẵn sàng biến câu chuyện thương hiệu của mình thành nguồn cảm hứng cho khách hàng chưa? Với Content Storytelling, mỗi nội dung đều có thể trở thành một mảnh ghép đặc biệt trong hành trình xây dựng niềm tin và giá trị. Hãy áp dụng ngay 5 bước kể chuyện này để chinh phục trái tim người tiêu dùng của mình bạn nhé!
Đừng quên theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Active Marketing. 5 Types of Content You Need for Telling your Story. Activemarketing.com. https://www.activemarketing.com/blog/content-marketing/5-types-content-telling-story/
- Shana Fujii. (2024, March 26). Storytelling in Content Marketing: How to Tell Stories that Sell. Clearvoice.com. https://www.clearvoice.com/resources/how-to-tell-stories-that-sell/#elementor-toc__heading-anchor-0
- The Breezy Company. 6 Types of Content Marketing for Engaging Storytelling. https://thebreezycompany.co/6-content-types-for-engaging-storytelling/
- Anh Nguyen. Content storytelling – Xu hướng marketing thu hút triệu view. https://subiz.com.vn/blog/content-storytelling.html#id-1-content-storytelling-la-gi
- Hoàng Vui. (15/05/2024). Content storytelling là gì? Những storytelling hay, ấn tượng. Vietnix.vn. https://vietnix.vn/content-storytelling-la-gi/
Những câu hỏi thường gặp
Content Storytelling có áp dụng được cho mọi ngành nghề không?
Tất nhiên là có! Content Storytelling có thể được áp dụng trong mọi lĩnh vực, từ thời trang, giáo dục, đến công nghệ, miễn là bạn hiểu rõ câu chuyện mà khách hàng cần nghe.
Làm sao đo lường hiệu quả của Content Storytelling?
Bạn có thể đo lường hiệu quả Content Storytelling qua các chỉ số như mức độ tương tác (lượt thích, chia sẻ), lượt xem, tỷ lệ chuyển đổi và phản hồi từ khách hàng.
Có nên lồng ghép câu chuyện của thương hiệu vào Content Storytelling không?
Tất nhiên là có! Tuy nhiên, bạn hãy đảm bảo câu chuyện của thương hiệu luôn phù hợp và bổ trợ cho câu chuyện của khách hàng.
Tần suất sử dụng Content Storytelling như thế nào là hợp lý?
Tốt nhất, bạn nên sử dụng storytelling khi muốn tạo nội dung mang tính chiến lược hoặc truyền tải thông điệp quan trọng, không cần áp dụng cho mọi bài đăng.