attrition-la-gi-cover

Attrition là gì? 7 biện pháp khắc phục tình trạng Attrition trong doanh nghiệp

Tỷ lệ nghỉ việc ngày càng tăng đang trở thành mối lo ngại hàng đầu của các nhà quản lý? Bạn có biết nguyên nhân đằng sau hiện tượng này được gọi là gì không? Đó chính là “Attrition”. Vậy Attrition là gì? Hiện tượng này ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào? Làm sao giải quyết tình trạng Attrition hiệu quả? Hãy cùng Tino Group khám phá khái niệm này qua bài viết dưới đây để có cái nhìn sâu sắc hơn và tìm ra giải pháp phù hợp cho tổ chức của bạn.

Attrition là gì?

Attrition được hiểu là sự hao mòn, suy giảm hoặc mất mát trong một tổ chức hay hệ thống. Khái niệm này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như quân sự, giáo dục và đặc biệt là kinh doanh. Trong kinh tế và quản lý doanh nghiệp, Attrition thường dùng để chỉ hiện tượng giảm lực lượng lao động, xảy ra khi nhân viên rời khỏi tổ chức mà không được thay thế ngay lập tức. Thực trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như nhân viên tự nguyện nghỉ việc, sa thải hoặc những khó khăn tài chính của doanh nghiệp.

khai-niem-attrition
Khái niệm Attrition

Attrition còn mang ý nghĩa sâu xa hơn khi đề cập đến sự gia tăng áp lực lên các nhân viên còn lại trong tổ chức. Khi không có người thay thế ngay, khối lượng công việc sẽ đổ dồn lên đội ngũ hiện tại, gây ra mệt mỏi và có thể dẫn đến hiệu suất làm việc giảm sút. Vì thế, Attrition không chỉ là một vấn đề về nhân sự mà còn là thách thức đối với sự ổn định, phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

(Định nghĩa dựa theo bài viết What Is Attrition in Business? Meaning, Types, and Benefits trên trang Investopedia).

5 nhóm Attrition thường gặp trong doanh nghiệp

Trong doanh nghiệp, Attrition có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, phản ánh những thách thức và cơ hội cải thiện môi trường làm việc, dịch vụ khách hàng cũng như sự đa dạng. Dưới đây là 5 nhóm Attrition thường gặp.

1. Attrition tự nguyện (Voluntary Attrition)

Attrition tự nguyện xảy ra khi nhân viên chủ động rời khỏi công ty vì lý do cá nhân hoặc nghề nghiệp. Ví dụ, họ có thể chuyển sang một công việc mới, thay đổi nơi ở, hoặc quyết định nghỉ hưu. Trong một số trường hợp, nhân viên rời đi có thể là dấu hiệu của các vấn đề nội bộ như thiếu cơ hội thăng tiến hoặc môi trường làm việc không tốt. Tuy nhiên, nghỉ hưu tự nhiên là điều không đáng lo ngại nếu tỷ lệ này ở mức bình thường.

2. Attrition không tự nguyện (Involuntary Attrition)

Đối với nhóm Attrition này, nguyên nhân bắt nguồn từ việc doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên. Điều này có thể xuất phát từ hiệu suất kém, hành vi vi phạm hoặc do tình hình kinh tế khó khăn buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Attrition không tự nguyện có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần đội ngũ và gây ra hình ảnh tiêu cực cho công ty nếu không được quản lý tốt.

3. Attrition Nội Bộ (Internal Attrition)

Attrition nội bộ xảy ra khi nhân viên chuyển đổi vị trí hoặc bộ phận trong nội bộ công ty. Nguyên nhân có thể do thăng chức, thay đổi vai trò hoặc tìm kiếm công việc phù hợp hơn với kỹ năng và sở thích. Trong một tổ chức tốt, Attrition nội bộ là dấu hiệu của cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu một phòng ban có tỷ lệ này quá cao, người quản lý cũng nên xem xét lại các vấn đề nội bộ như quản lý hoặc môi trường làm việc.

cac-nhom-attrition-thuong-gap-trong-doanh-nghiep
Các nhóm Attrition thường gặp trong doanh nghiệp

4. Attrition liên quan đến nhân khẩu học (Demographic-Related Attrition)

Attrition này xảy ra khi một nhóm nhân viên thuộc một nhân khẩu học cụ thể, chẳng hạn như phụ nữ, người cao tuổi hoặc các dân tộc thiểu số,…, rời công ty một cách bất ngờ và nhanh chóng. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này có thể do họ bị phân biệt đối xử hoặc môi trường làm việc thiếu sự hỗ trợ. Để khắc phục, doanh nghiệp cần tạo ra môi trường đa dạng, hòa nhập, đề cao tinh thần bình đẳng cũng như xây dựng văn hoá công ty minh bạch hơn.

5. Attrition khách hàng (Customer Attrition)

Dù không liên quan trực tiếp đến nhân viên, Attrition khách hàng (hay còn gọi là churn rate) cũng là vấn đề đáng lo ngại. Thực trạng này xảy ra khi doanh nghiệp mất đi lượng khách hàng hiện tại, dẫn đến giảm doanh thu. Nguyên nhân có thể là do: dịch vụ khách hàng kém, sản phẩm lỗi thời hoặc không đảm bảo được chất lượng. Việc giải quyết tình trạng này đòi hỏi sự cải thiện liên tục về sản phẩm, dịch vụ để giữ chân khách hàng trung thành.

6 nguyên nhân làm tăng tỷ lệ Attrition

Tỷ lệ Attrition hay tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp mà còn tạo áp lực lớn về chi phí tuyển dụng và đào tạo. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, dưới đây là 6 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ Attrition cao.

1. Chế độ lương thưởng và phúc lợi không cạnh tranh

Lương thưởng là một trong những yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân viên. Khi doanh nghiệp không đưa ra mức lương cạnh tranh hoặc thiếu các phúc lợi hấp dẫn như bảo hiểm sức khỏe, trợ cấp xăng xe hoặc tiền thưởng, nhân viên sẽ cảm thấy không được đánh giá đúng mức. Thêm vào đó, việc thiếu minh bạch trong chính sách trả lương có thể gây ra bất mãn, khiến nhân viên có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại những doanh nghiệp khác có đãi ngộ tốt hơn.

2. Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Sau đại dịch Covid19, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân ngày càng được quan tâm. Khi doanh nghiệp không tạo điều kiện để nhân viên có thời gian chăm lo cho gia đình hoặc nghỉ ngơi, họ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức. Các yếu tố như giờ làm việc kéo dài, yêu cầu làm việc ngoài giờ hoặc áp lực công việc cao liên tục là nguyên nhân chính khiến nhân viên quyết định rời bỏ doanh nghiệp để tìm kiếm môi trường làm việc thoải mái hơn.

3. Khối lượng công việc và kỳ vọng không thực tế

Một số doanh nghiệp đặt ra những mục tiêu quá cao, vượt quá khả năng hoặc thời gian làm việc của nhân viên. Khi phải liên tục gánh vác khối lượng công việc lớn mà không nhận được sự hỗ trợ hay đánh giá công bằng, nhân viên sẽ cảm thấy kiệt sức và mất động lực. Không chỉ làm giảm chất lượng công việc, tình trạng này còn khiến nhân viên mong muốn tìm cơ hội khác, nơi áp lực công việc được phân bổ hợp lý hơn.

nguyen-nhan-lam-tang-ty-le-attrition
Nguyên nhân làm tăng tỷ lệ Attrition

4. Phong cách quản lý không hiệu quả

Người quản lý đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực. Khi phong cách lãnh đạo quá cứng nhắc, thiếu sự đồng cảm hoặc giao tiếp kém, nhân viên sẽ cảm thấy không được tôn trọng và không có động lực làm việc. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn mắc sai lầm là: không ghi nhận đúng mức đóng góp của nhân viên hoặc thiếu sự hỗ trợ khi cần thiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhân viên có xu hướng rời bỏ công ty.

5. Không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nhân viên cảm thấy gắn bó với tổ chức. Tuy nhiên, khi giá trị cá nhân của nhân viên không đồng bộ với các chuẩn mực và phong cách làm việc của doanh nghiệp, họ dễ cảm thấy lạc lõng. Ví dụ, một nhân viên có phong cách làm việc sáng tạo nhưng bị bó buộc trong môi trường quá cứng nhắc sẽ khó phát huy năng lực và dễ nản lòng.

6. Thiếu cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp

Nhân viên luôn kỳ vọng được học hỏi và phát triển trong công việc. Khi doanh nghiệp không có lộ trình thăng tiến rõ ràng hoặc không tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, họ sẽ cảm thấy bị bỏ quên và không nhìn thấy tương lai tại tổ chức. Đặc biệt, với những người có tham vọng lớn, việc thiếu cơ hội phát triển là lý do chính khiến họ chuyển sang môi trường mới có tiềm năng tốt hơn.

7 biện pháp khắc phục tình trạng Attrition trong doanh nghiệp

Không chỉ gây tổn tại về mặt tài chính, Attrition còn ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Dưới đây là 7 biện pháp khắc phục tình trạng Attrition mà các doanh nghiệp có thể áp dụng.

#1. Cải thiện chế độ lương thưởng và phúc lợi

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhân viên nghỉ việc là do lương thưởng không hợp lý và thiếu phúc lợi đầy đủ. Doanh nghiệp cần đảm bảo mức lương của nhân viên phù hợp với công sức và năng lực làm việc của họ. Nếu được, doanh nghiệp cũng nên xem xét, cải thiện các phúc lợi như bảo hiểm sức khỏe, nghỉ phép, các hỗ trợ về gia đình và cơ hội thưởng. Việc tạo ra một chính sách đãi ngộ công bằng, minh bạch giúp nhân viên cảm thấy được đánh giá đúng mức và có động lực cống hiến lâu dài.

#2. Tạo điều kiện cân bằng công việc và cuộc sống

Để giảm bớt tình trạng kiệt sức và tăng mức độ hài lòng của nhân viên, doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc sắp xếp công việc và thời gian làm việc. Các chế độ làm việc linh hoạt như làm việc từ xa, giờ làm việc linh động, hay việc hỗ trợ nhân viên trong các tình huống cá nhân sẽ giúp họ cảm thấy công việc không trở thành gánh nặng. Cân bằng công việc và cuộc sống là yếu tố quan trọng giúp tăng sự gắn bó và giảm tỷ lệ Attrition.

#3. Giảm khối lượng công việc và điều chỉnh kỳ vọng

Doanh nghiệp cần chú ý đến khối lượng công việc hợp lý cho nhân viên, tránh tình trạng quá tải. Cần phân công công việc rõ ràng và hợp lý, đồng thời điều chỉnh kỳ vọng sao cho phù hợp với năng lực thực tế của từng nhân viên. Việc lắng nghe phản hồi từ nhân viên và điều chỉnh khối lượng công việc kịp thời sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và tránh tình trạng burnout.

#4. Đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên

Nhân viên luôn mong muốn có cơ hội học hỏi và phát triển. Doanh nghiệp nên cung cấp các khóa đào tạo và cơ hội học hỏi để nhân viên có thể nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng khả năng thăng tiến. Việc đầu tư vào phát triển nghề nghiệp của nhân viên không chỉ giúp giữ chân họ lâu dài mà còn giúp doanh nghiệp duy trì đội ngũ lao động có trình độ cao.

cach-khac-phuc-tinh-trang-attrition
Cách khắc phục tình trạng Attrition

#5. Cải thiện phong cách lãnh đạo và quản lý

Các nhà quản lý đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra môi trường làm việc tích cực. Doanh nghiệp cần đào tạo và phát triển kỹ năng lãnh đạo cho các cấp quản lý, khuyến khích phong cách lãnh đạo linh hoạt, đồng cảm và giao tiếp hiệu quả. Khi lãnh đạo có thể kết nối và truyền cảm hứng cho nhân viên, tỷ lệ Attrition sẽ giảm, môi trường làm việc sẽ trở nên gắn bó hơn.

#6. Tạo môi trường văn hóa doanh nghiệp thân thiện

Một văn hóa doanh nghiệp cởi mở, thân thiện sẽ giúp nhân viên cảm thấy gắn bó và thoải mái hơn khi làm việc. Doanh nghiệp cần xây dựng một không gian làm việc tích cực, khuyến khích sự giao tiếp, tôn trọng sự khác biệt và thúc đẩy tinh thần sáng tạo. Khi nhân viên cảm thấy được chào đón và đồng hành cùng nhau, họ sẽ ít có xu hướng nghỉ việc hơn.

#7. Xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng

Bất kỳ nhân viên nào cũng mong muốn bản thân có cơ hội phát triển trong tổ chức. Vậy nên, việc xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng, công bằng và minh bạch giúp nhân viên nhận thấy sự phát triển nghề nghiệp của họ trong tương lai. Doanh nghiệp cần chỉ rõ các cơ hội thăng tiến, đào tạo và phát triển để giúp nhân viên có thể xây dựng sự nghiệp lâu dài tại công ty.

Attrition là thước đo sự hài lòng và gắn bó của nhân viên với tổ chức. Việc quản lý, cải thiện tỷ lệ nghỉ việc không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tăng sức mạnh đội ngũ. Đừng quên theo dõi những bài viết hay và hữu ích khác của Tino Group bạn nhé!

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Adam Hayes. (2024, September 03). What Is Attrition in Business? Meaning, Types, and Benefits. Investopedia.com. https://www.investopedia.com/terms/a/attrition.asp
  2. Indeed Editorial Team. (2024, August 16). What Is Attrition? (Plus How To Calculate It in 5 Steps). Indeed.com. https://www.indeed.com/career-advice/career-development/what-is-attrition
  3. Emma Ruehl. (2024, April 15). Attrition: Definition, Types, Causes & Mitigation Tips. Shrm.org. https://www.shrm.org/topics-tools/news/employee-relations/attrition-definition-types-causes-mitigation-tips
  4. Hasley Doan. (02/03/2024). ATTRITION LÀ GÌ? 3 TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA HAO MÒN LAO ĐỘNG. Acheckin.vn. https://acheckin.vn/quan-tri-nhan-su/tu-dien/attrition-la-gi/
  5. Phạm Thu Phương. (01/07/2024). Attrition là gì? Nguyên nhân và hậu quả của hao mòn lao động. Timviec365.vn. https://timviec365.vn/blog/attrition-la-gi-nguyen-nhan-va-hau-qua-cua-hao-mon-lao-dong

Những câu hỏi thường gặp

Attrition trong ngành nào thường cao nhất?

Các ngành có tỷ lệ Attrition cao thường là công nghệ thông tin, bán lẻ, khách sạn và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Do tính chất công việc và áp lực của các lĩnh vực này cao.

Attrition ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Tỷ lệ Attrition cao có thể làm suy giảm tinh thần làm việc, giảm sự gắn kết và tạo áp lực lên những nhân viên còn lại.

Attrition có thể giúp cải thiện tổ chức không?

Trong một số trường hợp, Attrition cơ hội để tổ chức thay thế những nhân sự không phù hợp hoặc nâng cao chất lượng đội ngũ bằng cách tuyển dụng người mới.

Attrition có ý nghĩa tích cực không?

Attrition không phải lúc nào cũng tiêu cực. Ví dụ, khi nhân viên nghỉ hưu hoặc chuyển công việc, tổ chức có cơ hội cải thiện đội ngũ bằng cách tuyển dụng nhân sự mới với kỹ năng phù hợp hơn.

📛CẢNH BÁO: MẠO DANH TINO GROUP LỪA ĐẢO - CẬP NHẬT THỦ ĐOẠN MỚI NĂM 2024 📛
This is default text for notification bar