“Thời thế tạo anh hùng”, đặc biệt là dưới áp lực của Covid-19 từ năm 2020, thời đại công nghệ số “sản sinh” càng nhiều các doanh nghiệp chuyển đổi số. Là một quốc gia đang trên đà phát triển, Việt Nam không thể đứng ngoài “đường đua” xu thế, bỏ lỡ “nhịp tàu” mang tên “chuyển đổi số”. Trong bài viết dưới đây, Tino Group sẽ giúp bạn phân tích và đánh giá tổng thể “bức tranh” thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam.
Chuyển đổi số – “mẫu số chung” của doanh nghiệp toàn cầu
Trước khi đi sâu vào phân tích và đánh giá thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, Tino Group sẽ giúp bạn nhận định về tình hình thực tiễn của công cuộc chuyển đổi số trên thế giới. Đây chính là “thước đo” giúp bạn nhận định được tầm quan trọng cũng như vị thế của Việt Nam trên “đường đua” chuyển đổi.
Những “phát súng” tiên phong
Công cuộc chuyển đổi số không đơn thuần là một xu hướng toàn cầu mà đây đã trở thành sứ mệnh bắt buộc của mọi doanh nghiệp trên thế giới. Nếu trước kia, cụm từ “chuyển đổi số” chỉ gắn liền với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, thì giờ đây, những công ty nhỏ hoặc vừa mới startup cũng đã tiếp cận gần hơn với công nghệ hiện đại.
Tập đoàn Microsoft đã dành thời gian để nghiên cứu sự tăng trưởng GDP nhờ công cuộc chuyển đổi số tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cụ thể: Năm 2017, GDP chỉ ở mức 6%, sau đó tăng lên 25% vào năm 2019 và chạm mốc 60% trong năm 2022.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của McKinsey cũng đã dự đoán tương lai GDP của các quốc gia châu Mỹ và châu Âu trong năm 2025 trước xu thế chuyển đổi số, cụ thể là: Mỹ 25%, Brazil 35%, các nước châu Âu 36%.
Theo đánh giá chung, những “phát súng tiên phong” trong công cuộc chuyển đổi số là các nước châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á.
Vị thế của Việt Nam trên “đường đua” chuyển đổi số
IDC – Cisco chia độ trưởng thành về số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành 4 mức: lãnh đạm số, quan sát số, thách thức số và bẩm sinh số. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang nằm ở mức độ “lãnh đạm số” – tức mức thấp nhất trong 4 mức độ khảo sát.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn có sự thiếu hụt nhất định trong công cuộc chuyển đổi số như: chi phí, cơ sở hạ tầng, kỹ năng số,…, và nhất là tư duy chuyển đổi số chưa vững mạnh.
Khi nhắc đến chuyển đổi số tại Việt Nam, World Bank (Ngân hàng Thế giới) cũng đã có bước thực nghiệm và đánh giá. Bảng đánh giá này dựa trên 4 phương diện bao gồm: kết nối, làm chủ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ. Dựa trên mỗi phương diện, World Bank đã nhận định cụ thể như sau:
- Kết nối: Vòng tròn tiếp cận Internet và công nghệ số của người dân Việt Nam ngày càng mở rộng, nên phương diện này Việt Nam có vị thế tương đối tốt.
- Làm chủ: Tư duy chuyển đổi số và làm chủ khoa học, công nghệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, điều này dẫn đến thứ hạng về phương diện làm chủ của Việt Nam còn thấp
- Đổi mới sáng tạo: So với các quốc gia được so sánh, Việt Nam khá vượt trội bởi khả năng đổi mới, thích nghi với công nghệ hiện đại
- Bảo vệ: Phương diện này xét về khía cạnh an ninh mạng, bảo mật thông tin. Tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa thật sự hoàn thiện và còn nhiều bất cập, nên thứ hạng của Việt Nam còn tương đối thấp so với các quốc gia khác.
Nhìn chung, vị thế của Việt Nam trên “đường đua” chuyển đổi số không cao nhưng cũng không ở mức thấp. Đây chính là “tín hiệu” tốt cho thấy chuyển đổi số không còn là điều viển vông đối với doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể “biến giấc mơ thành sự thật” nếu chấp nhận đổi mới và bước ra khỏi vùng an toàn.
Thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam
Phát động chủ trương chuyển đổi số
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành nhiệm vụ tất yếu, quyết định tính sống còn của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ – “xương sống” của nền kinh tế quốc gia.
Gần đây, Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Sáng kiến này đã tạo nên một “bệ phóng” vững chắc, nâng cao khả năng nhận diện tầm quan trọng của chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp hướng đến số hóa trong mọi hoạt động từ kinh doanh đến sản xuất.
Một số mục tiêu được đặt ra trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025 là:
- 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ được thực hiện trên các thiết bị di động
- Hồ sơ công việc sẽ được xử lý trực tuyến theo các cấp: Cấp bộ và cấp tỉnh: 90%; Cấp huyện: 80%; Cấp xã: 60%
- Những dữ liệu mang tính quốc gia như: dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh,…,sẽ được kết nối trực tuyến với dữ liệu chia sẻ trên hệ thống thông tin chính phủ
- Hoạt động kiểm tra, quản lý của cơ quan nhà nước được thực hiện qua cổng thông tin trực tuyến
- Lao động sản xuất hằng năm tăng 7%, định hướng tăng lên 8% vào năm 2030
- 50% khách hàng sử dụng ngân hàng số
- 50% dân số sử dụng ví điện tử, séc kỹ thuật số
- 70% giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống kỹ thuật số
- 50% các quyết định cho vay được thực hiện trực tuyến và tự động hóa
- 70% công việc và dịch vụ tín dụng được xử lý, lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số
- Mạng lưới Internet, cáp quang phủ sóng 80% các hộ gia đình và 100% các xã
- Nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp cho nền kinh tế đất nước 20% vào năm 2025 và định hướng tăng lên 30% vào năm 2030
Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bước lên “đường đua”
Vài năm trở lại đây, hoạt động chuyển đổi số diễn ra vô cùng sôi nổi khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính thức “bật công tắc” số hóa.
Các doanh nghiệp chuyển đổi số bằng nhiều phương thức khác nhau như: ứng dụng phần mềm, giải pháp số vào hoạt động kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, quản lý bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng,…
Một số minh chứng cụ thể về xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, như:
- Hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phần mềm quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ, bán hàng đa kênh
- Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, phổ biến nhất là: Shopee, Lazada, Tiki, Chợ lớn,…
- Hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tiếp thị số
- Các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Instagram, Tiktok,…, tại Việt Nam ngày càng phát triển và mở rộng
Ngoài ra, chuyển đổi số cũng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động quản trị doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp sử dụng các giải pháp công nghệ như: CRM, ERP, HRM, phần mềm chấm công, phần mềm kế toán,…, ngày càng nhiều. Số liệu được thống kê cụ thể như sau:
- Hơn 60% doanh nghiệp sử dụng các phần mềm kế toán
- Hơn 200.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử
- Gần 100% doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký điện tử
- Gần 100% doanh nghiệp khai báo thuế, bảo hiểm xã hội trực tuyến
Chuyển đổi số – “liều vaccine công nghệ” của doanh nghiệp Việt Nam
Sau 4 lần bùng phát, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam “thấm mệt” và lựa chọn giải pháp “ngủ đông”. Tuy nhiên, đây không phải là cách tốt nhất để các doanh nghiệp vượt qua thử thách.
Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam cần “biến cũ thành mới”, chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình hiện đại. Điều này vừa đáp ứng đúng chủ trương của chính phủ, vừa giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.
Đứng ở góc độ khác, Covid-19 chính là “ngọn đuốc” giúp doanh nghiệp nhận diện được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đại dịch tạo ra những khó khăn nhưng cũng mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Dựa trên khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19” của VCCI, có trên 400 doanh nghiệp thừa nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số khi đại dịch bùng phát.
Khảo sát còn cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ để quản trị nội bộ chiếm đến 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước dịch. Ngoài ra, có hơn 30% doanh nghiệp sử dụng hệ thống họp và quản lý công việc trực tuyến.
Với sự hỗ trợ của chuyển đổi số, đã có hơn 98% doanh nghiệp tạo ra bước đột phá mới về hoạt động kinh doanh, sản xuất, cụ thể: 71% tỷ lệ giảm chi phí vận hành, 61,4% tỷ lệ giảm các thủ tục phức tạp, rườm rà và 45,3% tỷ lệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Những “nút thắt” khó gỡ của doanh nghiệp Việt Nam
Trong công cuộc chuyển đổi số, bên cạnh những cơ hội mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng đừng trước nhiều thách thức cần nhanh chóng gỡ bỏ. 3 “nút thắt” lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt là: thiếu nguồn lực về công nghệ, thiếu vốn đầu tư và nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn.
Thiếu nguồn lực về công nghệ
So với các nước đang phát triển, công nghệ của Việt Nam thực chất vẫn chưa theo kịp. Đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ, kỹ thuật số tại các doanh nghiệp chưa được đáp ứng toàn diện. Vì vậy, về cơ bản, chuyển đổi số Việt Nam vẫn ứng dụng nền tảng công nghệ sẵn có trên thế giới, chưa thật sự làm chủ những công nghệ lõi.
Theo nghiên cứu của Cisco năm 2019, chỉ có 10,7% doanh nghiệp vừa và nhỏ biết rằng họ đang đầu tư, nâng cấp phần mềm, phần cứng. Dựa trên khảo sát của Vietnam Report, có khoảng 49,1% doanh nghiệp gặp nỗi lo về việc thiếu hụt lao động có kỹ năng sử dụng công nghệ mới.
Độ sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam rơi vào mức trung bình 70/141 quốc gia với điểm số 12,06/25 điểm (Theo Cisco năm 2019).
Thiếu vốn đầu tư
Mặc dù nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước, chính phủ nhưng chuyển đổi số vẫn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn đầu tư lớn. Nhiều doanh nghiệp còn quan ngại và thiếu chắc chắn về thành quả của chuyển đổi số, nên không dám bỏ ra số tiền lớn để trang bị công nghệ, phần mềm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có nguồn ngân sách hạn chế cũng gặp khó khăn khi đưa ra quyết định chuyển đổi số. Tài chính eo hẹp chính là vấn đề lớn buộc các nhà lãnh đạo lùi bước. Dựa trên báo cáo của Tổng cục Thống kê, có hơn 98,1% SME và 99% doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về vốn.
Bên cạnh đó, khoảng 55,6% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng: rào cản lớn nhất của chuyển đổi số bắt nguồn từ ngân sách (báo cáo từ VCCI).
Nhà lãnh đạo thiếu tầm nhìn
Nhà lãnh đạo được xem là “con sói đầu đàn” của một doanh nghiệp. Vì vậy, một nhà lãnh đạo sáng suốt, có tầm nhìn sẽ dẫn dắt tập thể doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Ngược lại, người dẫn đầu thiếu định hướng, không có tầm nhìn dễ vấp phải những trở ngại khôn lường.
Một trong những “nút thắt” khó gỡ nhất khi chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam đó chính là: tư duy cổ hủ, không chịu thay đổi của ban lãnh đạo. Việc dẫn dắt doanh nghiệp theo khuôn khổ cũ để “bảo toàn tính mạng” của nhiều nhà lãnh đạo đã trở thành quan niệm sai lầm.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà lãnh đạo cần thay đổi tư duy để phát triển một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, tạo ra và lồng ghép những trải nghiệm mới vào mô hình kinh doanh của mình.
Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam trong các lĩnh vực
Tài chính – ngân hàng
Tại Việt Nam, ngân hàng được xem là lĩnh vực tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số. Các ngân hàng hiện nay đã và đang ứng dụng các công nghệ mới như: IoT, Blockchains, AI,…, vào mô hình hoạt động. Bên cạnh đó, những quy trình làm việc ở mức độ vi mô cũng được tự động hóa.
Trong “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ số hóa đạt trên 30%.
Hiện nay, có 95% ngân hàng thực thi chiến lược chuyển đổi số, trong đó có khoảng 39% ngân hàng tích hợp số hóa trong định hướng phát triển kinh doanh. (Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước).
Y tế
Đứng trước những khó khăn từ đại dịch và xu hướng chuyển đổi số quốc gia, lĩnh vực y tế ra sức đẩy mạnh chiến lược số hóa. Hầu hết các hoạt động, dịch vụ y tế đều phát triển trên nền tảng công nghệ, hình thành nền y tế thông minh.
Chuyển đổi số ngành y tế hướng đến mục tiêu năm 2025 như sau: 100% người dân sẽ được định danh y tế, 90% người dân có sổ sức khỏe điện tử, 100% các trạm y tế triển khai phần mềm, 50% trạm xá thực hiện khám chữa bệnh từ xa.
Nông nghiệp
Nông nghiệp được xem là lĩnh vực mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, nhà nước và chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Lĩnh vực này đã ứng dụng rất tốt những công nghệ mới như: Big Data, hệ thống giám sát từ xa, cảm biến,…, để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn đẩy mạnh xu hướng đưa nông sản lên “sàn”. Nghĩa là thiết lập các sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản, cho phép người làm nông tham gia giao dịch nông sản trực tuyến.
Giáo dục
Tại Việt Nam, ngành giáo dục chuyển đổi sang xu hướng đào tạo từ xa, tận dụng triệt để công nghệ số để quản lý, giảng dạy và học tập. Ngoài ra, những tài liệu, giáo án cũng được số hóa theo hình thức tham khảo trực tuyến.
Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục đã triển khai dạy và học từ xa, cho phép học sinh/sinh viên học trực tuyến ít nhất 20% nội dung chương trình. Trong đó, những hoạt động như: làm bài tập về nhà, kiểm tra bài cũ, thi, đánh giá năng lực,…, cũng được thực hiện trực tuyến.
Giao thông vận tải
Trong lĩnh vực này, Việt Nam tập trung phát triển các mô hình giao thông thông minh, giao thông đô thị, đường cao tốc, quốc lộ,… Bên cạnh đó, dịch vụ “xe ôm” công nghệ hiện đang tích hợp với mô hình giao thức ăn, như: Grab, Baemin, Grabfood,…
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, mô hình đặt thức ăn qua mạng, đi chợ trực tuyến cũng trở nên phổ biến và tăng trưởng mạnh.
Năng lượng
Đối với lĩnh vực năng lượng, nhà nước tập trung chuyển đổi số ngành điện lực. Các mạng lưới điện sẽ được tự động hóa nhằm mang lại hiệu quả cho quá trình cung ứng điện năng.
Ngoài ra, việc tích hợp đồng hồ đo điện số giúp người dùng dễ dàng theo dõi hóa đơn trực tuyến, nhanh chóng xác định sự cố nguồn điện, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tình trạng mất mát điện năng.
Công nghiệp
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam chú trọng khai thác tính chất “thông minh” và “tự động” của công nghệ hiện đại. Một số sản phẩm tiêu biểu đã và đang được khai thác, xây dựng trong lĩnh vực này là: nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh, chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, các thiết bị vận hành tự động,… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phát triển kỹ năng số và tạo dựng dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu cho người lao động.
Tài nguyên – môi trường
Tài nguyên – môi trường cũng là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi công nghệ số tại Việt Nam. Nhằm mang đến hiệu quả trong quá trình quản lý tài nguyên – môi trường, các tổ chức liên quan đã phát triển những hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu toàn diện, cụ thể là: cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, quan trắc tài nguyên và môi trường, cảm biến biến đổi khí hậu,…
Tạm kết
Chuyển đổi số là một chặng đường dài và khó khăn đối với doanh nghiệp toàn cầu nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ “đầu hàng” trước xu thế mới. Với những khởi đầu tương đối thuận lợi ở thời điểm hiện tại, thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ có những bước ngoặt lớn. Nhìn chung, chuyển đổi số tại Việt Nam phát ra tín hiệu rất tốt, dự báo cho những chiến tích tốt đẹp sắp sửa xảy ra.
Hòa theo dòng chảy công nghệ số, Tino Group mang đến cho doanh nghiệp những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả, uy tín với mức giá cạnh tranh. Sở hữu đội ngũ chuyên gia công nghệ hàng đầu Việt Nam, Tino Group tự tin sẽ cùng bạn chinh phục hành trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với Tino Group để được tư vấn và giải đáp miễn phí nhé!
FAQs về thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam
Ngân hàng Việt Nam có những ngân hàng số nào?
– VPBank với ngân hàng số Timo
– TPBank với ngân hàng số Live Bank
– BIDV với ngân hàng số E-zone
– Vietcombank với ngân hàng số VCB Digital Bank
…
Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
Hiện tại, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam như sau: 82% doanh nghiệp vừa nhập cuộc, 61% doanh nghiệp chưa sẵn sàng, 21% doanh nghiệp có bước chuẩn bị ban đầu, 16/17 ngành ưu tiên chuyển đổi số có mức độ sẵn sàng thấp (Theo khảo sát của Bộ Công Thương).
Doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ nào khi chuyển đổi số?
Việc ứng dụng công nghệ còn tùy vào ngân sách, mục tiêu và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể nhờ vào sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyển đổi số để chọn giải pháp công nghệ phù hợp với mình nhất.
Chi phí chuyển đổi số có cao không?
Chi phí chuyển đổi số sẽ phụ thuộc vào các giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp chọn lựa. Tuy nhiên, không phải giải pháp chuyển đổi số nào cũng đắt đỏ. Nếu nguồn ngân sách của bạn còn hạn chế, hãy đầu tư từ những giải pháp cơ bản nhất.
Mọi thắc mắc và góp ý liên quan, xin vui lòng liên hệ ngay Tino Group để được tư vấn chi tiết hoặc Fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
Tinh gọn quy trình – chạm đỉnh doanh thu – Tino Group tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi số!
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO
- Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Tổng đài miễn phí: 1800 6734
- Email: info@tino.org
- Website: www.tino.org