Khi nhắc đến mục tiêu cần đạt được, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại trả lời rằng đó chính là tạo ra lợi nhuận hằng tháng. Nhưng liệu đây có phải là tất cả? Thực chất, doanh thu chỉ là một “tảng băng nổi” trong toàn bộ hoạt động kinh doanh. Sứ mệnh lớn lao hơn mà mọi doanh nghiệp cần hướng đến đó chính là định vị thương hiệu của mình trên thương trường.
Tìm hiểu về định vị thương hiệu
Khái niệm định vị thương hiệu
Định vị thương hiệu (Brand Positioning) là một thuật ngữ được “sản sinh” trong lĩnh vực Marketing và phát triển Branding. Thuật ngữ này dùng để chỉ các phương pháp mà doanh nghiệp sử dụng để xác định vị thế của mình trong tâm trí khách hàng.
Không đơn thuần là một vài dòng giới thiệu hay một hình ảnh biểu trưng lạ mắt, định vị thương hiệu là chiến lược giúp doanh nghiệp tạo ra những dấu ấn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Vai trò của định vị thương hiệu đối với doanh nghiệp
Xác định đúng thị trường tiềm năng
Định vị thương hiệu là một phương thức giúp doanh nghiệp duy trì lượng khách hàng ổn định. Sau khi định vị thương hiệu, doanh nghiệp sẽ xác định đúng thị trường tiềm năng của mình hay còn gọi là thị trường ngách. Tại đây, bạn có thể tiếp cận với những khách hàng sẵn sàng trải nghiệm mọi sản phẩm/dịch vụ của bạn mà không quá quan tâm đến giá cả.
“Nhìn thấu” đối thủ cạnh tranh
Không chỉ giúp doanh nghiệp xác định đúng vị thế của mình, định vị thương hiệu còn “phản chiếu” hình ảnh của đối thủ và xu hướng thị trường một cách chân thật, rõ nét nhất.
Thông qua đó, bạn có thể xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp để tăng sức mạnh cạnh tranh. Đồng thời, từ “bức tranh” tổng thể về thị trường, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận khách hàng cũng như phát triển các hoạt động tiếp thị hiệu quả.
Củng cố tiềm lực mở rộng quy mô
Định vị thương hiệu được xem là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô trong tương lai. Thực hiện quy trình định vị tốt, vị thế của doanh nghiệp sẽ ngày một tăng lên.
Nhờ đó, khách hàng sẽ nhận diện thương hiệu của bạn tốt hơn mà không cần thông qua các chiến dịch quảng bá tốn kém. Khi độ uy tín được giữ vững đó là lúc doanh nghiệp có đủ sức mạnh để “bành trướng thế lực”, “sản sinh” thêm các chi nhánh “con” trên thị trường.
Các bước định vị thương hiệu tối ưu nhất dành cho mọi doanh nghiệp
Bước 1: Xác định thị trường mục tiêu
Để định vị thương hiệu hiệu quả, bước đầu tiên bạn cần làm là xác định đúng thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Thị trường này chứa những “tệp” khách hàng tiềm năng. Họ là người có nhu cầu trải nghiệm và đủ khả năng chi trả cho sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Vậy làm cách nào để xác định đúng thị trường mục tiêu? Rất đơn giản, bạn chỉ cần giải đáp toàn bộ câu hỏi theo mô hình 5W1H, bao gồm:
- Who?: Ai là người có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn? Sản phẩm của bạn hướng đến khách hàng nam hay nữ? Độ tuổi bao nhiêu? Công việc của họ là gì?
- What?: Sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ đáp ứng được nhu cầu gì cho khách hàng? Khách hàng mong muốn điều gì ở sản phẩm/dịch vụ của bạn?
- Why?: Tại sao khách hàng phải mua sản phẩm/dịch vụ của bạn?
- Where?: Khách hàng của bạn đang sinh sống và làm việc tại đâu? Họ có thể mua sản phẩm/dịch vụ của bạn ở những nơi nào?
- When?: Khách hàng sẽ mua sản phẩm/dịch vụ của bạn vào thời gian nào? Thời gian làm việc và nghỉ ngơi của họ ra sao?
- How?: Khách hàng tiếp cận sản phẩm/dịch vụ của bạn bằng cách nào? Làm thế nào để xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả? Làm sao quảng bá thương hiệu đến đông đảo khách hàng?
Bước 2: Tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh
Người xưa có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vì vậy, sau khi “thấu hiểu” mục tiêu phát triển của mình, bước tiếp theo bạn cần làm là xác định đối thủ cạnh tranh.
Về cơ bản, trong lĩnh vực kinh doanh sẽ có 2 nhóm đối thủ cạnh tranh, đó là:
- Đối thủ cạnh tranh hoạt động trong cùng lĩnh vực, cung cấp cùng loại sản phẩm/dịch vụ
- Đối thủ cạnh tranh hoạt động trong cùng lĩnh vực, cung cấp khác loại sản phẩm/dịch vụ
Để xác định đúng đối thủ cạnh tranh, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Dựa trên lĩnh vực hoạt động, chọn ra những cái tên có thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm.
- Dò hỏi khách hàng về các đơn vị cung cấp sản phẩm/dịch vụ trong lĩnh vực của bạn mà họ đã hợp tác trước đó.
- Sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về những doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực bạn đang hoạt động.
Bước 3: Phân tích và xác định vị thế của đối thủ
Trong giai đoạn này, bạn cần tìm hiểu sâu về đối thủ bằng cách phân tích các điểm mạnh, điểm yếu qua những chiến lược kinh doanh của họ. Chẳng hạn như:
- Đối thủ đang cung cấp sản phẩm/dịch vụ gì?
- Chiến lược tiếp thị của họ ra sao? Thành công hay thất bại?
- Mức độ tương tác giữa đối thủ với khách hàng như thế nào?
- Phản hồi, nhận xét của khách hàng ra sao?
- Đối thủ đang sở hữu những lợi thế nào? Ưu điểm vượt trội của họ là gì?
- Những hạn chế mà đối thủ gặp phải là gì?
- …
Sau khi nghiên cứu chuyên sâu về đối thủ, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định vị thế của họ trên thị trường. Bên cạnh đó, hãy đặt doanh nghiệp bạn và đối thủ lên “bàn cân” để tìm ra những điểm tương đồng lẫn khác biệt. Đồng thời, bạn có thể tận dụng điểm mạnh của mình và đối thủ để phát huy, nâng cấp chiến lược hoạt động. Ngược lại, đối với những hạn chế, hãy bỏ qua và triệt tiêu chúng.
Công đoạn này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Dù vậy, để định vị thương hiệu một cách tối ưu nhất, bạn không thể hời hợt trong bất kỳ công đoạn nào. Việc so sánh bản thân với đối thủ là điều cần thiết để bạn tạo ra các chiến lược kinh doanh, tiếp thị hoàn thiện nhất.
Bước 4: Tạo những dấu ấn riêng
Nếu thị trường là một “bầu trời” rộng lớn thì doanh nghiệp bạn chỉ là một “vì sao” nhỏ. Bởi thế, để được khách hàng chú ý và quan tâm, bạn cần phải “lấp lánh”. Đây chính là cách giúp bạn định vị thương hiệu của mình trong mắt khách hàng.
Vậy làm thế nào để “tỏa sáng”?
Bạn không cần tạo dựng những chiến lược kinh doanh mang tính “đao to búa lớn” để gây sự chú ý với khách hàng. Điều bạn cần làm chỉ đơn giản là tạo ra màu sắc và cá tính riêng. Đây chính là những điểm khác biệt và nổi bật nhất của thương hiệu bạn so với các đối thủ cạnh tranh.
Dấu ấn thương hiệu mang những nét đặc trưng riêng của một doanh nghiệp. Đó có thể là: logo, màu sắc thương hiệu, slogan, các dịch vụ hỗ trợ,… Mỗi doanh nghiệp cần thống nhất và duy trì dấu ấn thương hiệu của mình. Vì đây chính là “đặc sản” để khách hàng nhận diện bạn trên thị trường rộng lớn.
Bước 5: Thiết lập tuyên ngôn định vị
Tuyên ngôn định vị là lời tuyên bố của doanh nghiệp về sứ mệnh của họ mang đến cho khách hàng. Lời tuyên bố này có thể là một hoặc hai câu ngắn gọn, súc tích nhưng phải truyền đạt đầy đủ những giá trị của thương hiệu. Để xây dựng tuyên ngôn định vị chất lượng, bạn cần giải đáp 4 câu hỏi sau:
- Khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp là ai?
- Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ nào?
- Sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mang đến những lợi ích gì cho khách hàng?
- Bằng chứng thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp là gì?
Những câu hỏi này trông có vẻ đơn giản nhưng đó chính là điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp xây dựng lời tuyên ngôn định vị đầy đủ nhất. Một lời tuyên ngôn thú vị sẽ giúp doanh nghiệp cá nhân hóa hình ảnh của mình trên thị trường.
Bước 6: Duy trì định vị thương hiệu
Đây là bước cuối cùng cũng là bước quan trọng nhất trong quy trình định vị thương hiệu của doanh nghiệp. Khi hoàn tất các bước trên, bạn đã có thể xác định vị thế của mình trên thị trường. Vì vậy, bước cuối cùng bạn cần làm là duy trì và quản trị thương hiệu của mình.
Một doanh nghiệp sở hữu định vị thương hiệu tầm cỡ cũng sẽ trở nên mờ nhạt nếu bỏ qua quy trình quản trị thương hiệu. Nhất là trong giai đoạn biến đổi của thị trường như hiện nay, đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, duy trì và bảo toàn thương hiệu là cách tốt nhất để bạn luôn “tỏa sáng” trong mắt khách hàng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về các bước định vị thương hiệu cho một doanh nghiệp. Hy vọng những kiến thức Tino Group vừa chia sẻ có thể giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm để định vị thương hiệu tốt hơn. Chúc bạn gặt hái được nhiều thành công trên hành trình kinh doanh của mình!
FAQs về định vị thương hiệu doanh nghiệp
Định vị thương hiệu tốn nhiều thời gian không?
Câu trả lời là “Có!”. Định vị thương hiệu là một hành trình dài và đòi hỏi doanh nghiệp cần dành nhiều thời, công sức để thực hiện. Trên thực tế, định vị thương hiệu không giới hạn trong một khoảng thời gian cụ thể. Bởi vì quy trình này sẽ kéo dài trong suốt thời gian doanh nghiệp hoạt động.
Định vị thương hiệu dựa trên những cách thức nào?
Có 6 cách thức phổ biến giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu của mình, bao gồm: chất lượng, giá trị, giá cả, tính năng, mong ước, vấn đề giải pháp
Làm sao định vị thương hiệu chính xác?
Thực tế phũ phàng là không có doanh nghiệp nào định vị chính xác 100% thương hiệu của mình trong mắt khách hàng. Thị trường không ngừng biến đổi, xu hướng và thị hiếu của khách hàng cũng không giống nhau. Để định vị thương hiệu tối ưu nhất, doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa, thấu hiểu thị trường cũng như mục đích kinh doanh của chính mình.
Có thể tái thiết kế thương hiệu không?
Bạn hoàn toàn có thể tái thiết kế thương hiệu nhưng vẫn phải đảm bảo tính thống nhất so với hình ảnh ban đầu để khách hàng có thể nhận diện được. Khách hàng sẽ không đánh giá cao một doanh nghiệp nếu doanh nghiệp ấy liên tục thay đổi thương hiệu của mình.
Mọi thắc mắc và góp ý liên quan, xin vui lòng liên hệ ngay Tino Group để được tư vấn chi tiết hoặc Fanpage để cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
Tinh gọn quy trình – chạm đỉnh doanh thu – Tino Group tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi số!
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO
- Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Tổng đài miễn phí: 1800 6734
- Email: info@tino.org
- Website: www.tino.org