Trong thời đại kỹ thuật số, việc tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả là mục tiêu hàng đầu của mọi doanh nghiệp. Và đây chính là khả năng tuyệt vời mà quảng cáo hiển thị mạng lại. Vậy chính xác quảng cáo hiển thị là gì? Có bao nhiêu loại quảng cáo hiển thị? Quảng cáo hiển thị mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp? Mời bạn cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về quảng cáo hiển thị qua bài viết dưới đây nhé!
Quảng cáo hiển thị là gì?
Theo bài viết “What is display advertising? A beginner’s guide” trên trang Amazon Ads, quảng cáo hiển thị là quảng cáo trực tuyến kết hợp giữa nội dung văn bản, hình ảnh hoặc video cùng lời kêu gọi hành động (CTA). Thông qua đó, người dùng sẽ được dẫn đến một landing page cụ thể. Những quảng cáo này thường xuất hiện ở đầu, bên cạnh hoặc giữa nội dung trên các trang web. Với khả năng thu hút sự chú ý, tiết kiệm chi phí và đo lường hiệu quả rõ ràng, quảng cáo hiển thị đã trở thành công cụ không thể thiếu trong các chiến lược tiếp thị hiện đại.
Ngày nay, quảng cáo hiển thị đã phát triển thành một kênh mạnh mẽ, cho phép tiếp cận khách hàng trên quy mô lớn với độ chính xác cao. Phương thức quảng cáo này nhắm đúng mục tiêu, đa định dạng và có nhiều phương pháp đo lường.
Quảng cáo hiển thị mang lại những lợi ích gì?
Quảng cáo hiển thị mang lại nhiều ưu điểm cho doanh nghiệp. Dưới đây là 6 lợi ích chính.
Tăng độ nhận diện thương hiệu
Quảng cáo hiển thị giúp tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng. Sự xuất hiện thường xuyên của quảng cáo sẽ nâng cao nhận thức và tầm nhìn của thương hiệu trong mắt khách hàng.
Nhắm mục tiêu khách hàng chính xác
Quảng cáo hiển thị cho phép doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu với độ chính xác cao qua những thông tin như nhân khẩu học, địa lý, hành vi và các yếu tố khác, đảm bảo quảng cáo hiển thị cho đúng người dùng.
Thiết kế chiến dịch đa kênh
Với quảng cáo tự động và tính năng đặt giá thông minh, doanh nghiệp có thể thiết kế và tối ưu hóa chiến dịch để tiếp cận khách hàng hiệu quả ở mọi giai đoạn của quy trình mua hàng.
Đa dạng định dạng quảng cáo
Quảng cáo hiển thị cung cấp nhiều định dạng khác nhau như banner, pop-up, pop-under, quảng cáo toàn màn hình, quảng cáo video,… Doanh nghiệp có thể lựa chọn định dạng phù hợp nhất để thu hút sự chú ý và tương tác của người dùng.
Tiếp cận lại khách hàng
Doanh nghiệp có thể hiển thị quảng cáo cho những người đã tương tác với thương hiệu trước đó khi họ duyệt web, giúp củng cố thông điệp và thúc đẩy chuyển đổi.
Đo lường hiệu quả
Quảng cáo hiển thị cung cấp các công cụ đo lường và phân tích mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp theo dõi các chỉ số quan trọng như phạm vi tiếp cận, tỷ lệ nhấp chuột, tỷ lệ thoát, tỷ lệ chuyển đổi và lợi tức đầu tư. Những thông tin này giúp đánh giá hiệu quả chiến dịch và tối ưu hóa cho kết quả tốt hơn.
Quy trình triển khai quảng cáo hiển thị
Muốn chạy quảng cáo hiển thị thành công, bạn cần có một kế hoạch chi tiết. Dưới đây là 6 bước giúp bạn triển khai quy trình quảng cáo hiển thị.
Bước 1: Xác định đối tượng mục tiêu
Trước tiên, bạn cần xác định đối tượng mục tiêu cho chiến dịch quảng cáo của mình. Phân khúc đối tượng dựa trên các yếu tố nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính, sở thích và hành vi mua sắm. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh sản phẩm làm đẹp, đối tượng mục tiêu sẽ là phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi, quan tâm đến mỹ phẩm và chăm sóc da. Việc xác định rõ ràng đối tượng mục tiêu giúp bạn đảm bảo rằng quảng cáo sẽ được hiển thị cho những người có khả năng quan tâm và mua sản phẩm của bạn, từ đó tăng hiệu quả chiến dịch.
Bước 2: Xác định từ khóa mục tiêu
Tiếp theo, bạn cần xác định các từ khóa mục tiêu liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Các từ khóa này sẽ giúp mạng lưới quảng cáo đối chiếu và hiển thị quảng cáo của bạn trên các trang web có nội dung phù hợp. Ví dụ, nếu bạn bán giày thể thao, các từ khóa mục tiêu có thể là “giày chạy bộ”, “giày thể thao nữ” hoặc “giày tập gym”. Việc chọn từ khóa chính xác giúp quảng cáo của bạn tăng cơ hội xuất hiện trước mắt khách hàng tiềm năng khi họ đang tìm kiếm thông tin liên quan.
Bước 3: Chọn chủ đề
Chọn chủ đề là bước tiếp theo để đảm bảo quảng cáo của bạn được hiển thị trên những trang web phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Bạn có thể chọn nhóm các trang web theo chủ đề hoặc danh mục mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn liên quan. Ví dụ, nếu bạn bán thiết bị nhà bếp, bạn có thể chọn chủ đề “nấu ăn” hoặc “thiết bị gia dụng”. Việc này giúp quảng cáo của bạn xuất hiện trên các trang web có nội dung mà khách hàng thường xuyên truy cập, họ sẽ dễ dàng nhìn thấy và tương tác với quảng cáo hơn.
Bước 4: Xác định vị trí quảng cáo
Tiếp theo, bạn cần quyết định vị trí cụ thể mà quảng cáo sẽ xuất hiện trên các trang web. Bạn có thể chọn các trang web hoặc trang cụ thể mà mình muốn quảng cáo hiển thị. Ví dụ, nếu bán xe hơi, bạn có thể đặt quảng cáo trên các bài viết đánh giá xe hoặc trang web chuyên về ô tô. Việc xác định vị trí chính xác giúp khách hàng mục tiêu dễ thấy quảng cáo, từ đó tăng tỷ lệ tương tác và chuyển đổi.
Bước 5: Hiển thị quảng cáo dựa trên sở thích
Quảng cáo dựa trên sở thích cho phép bạn hiển thị quảng cáo dựa trên hành vi và sở thích của người dùng. Google thu thập dữ liệu về hành vi người dùng và dựa vào đó để hiển thị quảng cáo phù hợp. Ví dụ, nếu một người dùng thường xuyên tìm kiếm thông tin về chăm sóc sức khỏe và tập luyện, quảng cáo về sản phẩm thể thao, dinh dưỡng sẽ được hiển thị đến họ. Việc hiển thị quảng cáo dựa trên sở thích giúp tăng tính cá nhân hóa và khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.
Bước 6: Tiếp cận lại khách hàng cũ
Tiếp cận lại khách hàng cũ hay còn gọi là tiếp thị lại là bước cuối cùng trong quy trình. Tính năng này cho phép bạn hiển thị quảng cáo cho những người đã từng truy cập vào trang web. Ví dụ, nếu một khách hàng đã xem sản phẩm của bạn nhưng chưa mua, bạn có thể tiếp tục hiển thị quảng cáo về sản phẩm đó khi họ duyệt web. Việc này giúp củng cố thương hiệu của bạn và nhắc nhở khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ, tăng khả năng họ quay lại và hoàn tất mua hàng.
4 loại quảng cáo hiển thị phổ biến hiện nay
Quảng cáo hiển thị đa dạng về cách thức hoạt động và đối tượng mục tiêu. Dưới đây là 4 loại quảng cáo hiển thị phổ biến.
#1. Quảng cáo remarketing (tái tiếp thị)
Đây là loại quảng cáo hiển thị phổ biến nhất hiện nay. Nhờ xu hướng cá nhân hóa quảng cáo, các chiến dịch tái tiếp thị phát triển mạnh mẽ. Theo Accenture Interactive, 91% người tiêu dùng thích mua hàng từ các thương hiệu nhớ sở thích của họ và cung cấp ưu đãi phù hợp nhu cầu. Quảng cáo remarketing hoạt động như sau:
- Đặt một đoạn mã nhỏ trên trang web để thu thập thông tin về hành vi duyệt web của khách hàng, như khi họ truy cập một danh mục hoặc trang sản phẩm.
- Phân loại khách hàng dựa trên thông tin thu thập được và xác định thông điệp quảng cáo phù hợp.
- Tạo và đặt quảng cáo hiển thị dựa trên các danh mục sở thích đã quan sát.
Chiến dịch remarketing là cách hiệu quả để giữ thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng đã quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ.
#2. Quảng cáo cá nhân hóa
Google đánh giá tái tiếp thị là một phân loại của quảng cáo cá nhân hóa. Quảng cáo cá nhân hóa nhắm mục tiêu đến người dùng dựa trên thông tin nhân khẩu học và sở thích trực tuyến. Bạn thậm chí có thể tạo quảng cáo hiển thị khuyến nghị sản phẩm cá nhân hóa dựa trên tương tác gần đây của người dùng với trang web.
Ngoài tái tiếp thị, Google còn nhận diện 4 loại quảng cáo cá nhân hóa khác nhau. Mỗi loại sử dụng hành vi và sở thích chung của người dùng thay vì tương tác với một thương hiệu cụ thể làm tùy chọn nhắm mục tiêu.
- Nhắm mục tiêu theo sở thích: Hiển thị quảng cáo cho người tiêu dùng có sở thích phù hợp với thị trường của bạn. Các nhóm sở thích này có thể rộng, như “người yêu thích ô tô” hoặc “người yêu điện ảnh”, giúp tiếp cận nhiều người.
- Nhóm sở thích tùy chỉnh: Các nhóm nhỏ hơn như “vận động viên chạy đường dài” và “người trồng lan” cho phép nhắm mục tiêu cụ thể hơn. Bạn cần lưu ý, khi sử dụng các nhóm nhỏ hơn, bạn sẽ tiếp cận ít người hơn.
- Quảng cáo theo ý định và trên thị trường: Nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự như của bạn. Bạn sẽ tiếp cận ít người hơn so với nhắm mục tiêu theo sở thích hoặc nhóm sở thích tùy chỉnh, nhưng những người nhìn thấy quảng cáo của bạn sẽ sẽ có khả năng mua hàng cao hơn.
- Quảng cáo đối tượng tương tự: Nhắm mục tiêu đến những người có sở thích hoặc đặc điểm chung với khách hàng hiện tại của bạn. Để tạo danh sách đối tượng mới nhưng tương tự, Google so sánh hồ sơ của người dùng trong danh sách tái tiếp thị với những người dùng khác, sau đó xác định điểm chung.
#3. Quảng cáo nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh
Thay vì hiển thị quảng cáo cho người dùng dựa trên hồ sơ của họ, quảng cáo nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh được đặt trên các trang web dựa trên các tiêu chí nhất định, bao gồm:
- Chủ đề và từ khóa của quảng cáo
- Ưu tiên ngôn ngữ và vị trí
- Chủ đề tổng quan của trang web
- Lịch sử duyệt web của những người truy cập gần đây của trang web
Bạn có thể để Google tự động xác định hoặc tự mình chọn chủ đề để nhắm mục tiêu.
- Nhắm mục tiêu theo chủ đề: Google cho phép bạn chọn từ một danh sách các chủ đề và sẽ khớp quảng cáo của bạn với các trang liên quan trên mạng hiển thị hoặc YouTube. Đồng thời, công cụ này cũng cho phép bạn loại trừ các chủ đề có hiệu suất thấp hoặc không liên quan đến thông điệp bạn muốn truyền tải. Nhắm mục tiêu theo chủ đề tương tự như nhắm mục tiêu theo sở thích, ngoại trừ việc quảng cáo của bạn được khớp với các trang web chứ không phải người dùng.
#4. Quảng cáo đặt trên trang web
Nếu muốn tự chọn các trang web hiển thị quảng cáo của mình, bạn nên áp dụng chiến dịch quảng cáo đặt trên trang web. Bạn có thể chọn toàn bộ trang web hoặc các trang riêng lẻ trong trang web.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp chiến lược nhắm mục tiêu đặt trang web với nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh. Với phương pháp này, bạn chọn một trang web và để Google chọn các trang phù hợp nhất cho quảng cáo của mình.
Nhìn chung, quảng cáo hiển thị là công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, tăng cường nhận diện thương hiệu và tối ưu hóa chiến dịch tiếp thị. Hiểu rõ và tận dụng các loại quảng cáo hiển thị sẽ mang lại hiệu quả vượt trội cho chiến lược marketing của bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Adobe Experience Cloud Team. (2023, June 06). Display advertising — definition, types, and benefits.. Business.adobe.com. https://business.adobe.com/blog/basics/display-advertising#benefits-of-display-advertising
- Amazon Ads. What is display advertising? A beginner’s guide. . Advertising.amazon.com. https://advertising.amazon.com/library/guides/display-advertising
- Intuitmailchimp. Display Ads. Mailchimp.com. https://mailchimp.com/marketing-glossary/display-ads/
- Fahad Muhammad. What is Display Advertising?. Instapage.com. https://instapage.com/blog/display-advertising/
Những câu hỏi thường gặp
Quảng cáo hiển thị có thể bị chặn không?
Tất nhiên là có! Quảng cáo hiển thị có thể bị các phần mềm chặn quảng cáo hoặc tính năng chặn quảng cáo của trình duyệt chặn Việc này có thể làm giảm hiệu quả của chiến dịch.
Quảng cáo hiển thị có thể chạy trên nền tảng nào?
Quảng cáo hiển thị có thể chạy trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm các trang web, ứng dụng di động, mạng xã hội, và các nền tảng video trực tuyến.
Chi phí của quảng cáo hiển thị phụ thuộc vào yếu tố nào?
Chi phí quảng cáo hiển thị phụ thuộc vào yếu tố như loại định dạng quảng cáo, đối tượng mục tiêu, vị trí đặt quảng cáo, và mức độ cạnh tranh từ khóa hoặc chủ đề.
Quảng cáo hiển thị có thể đo lường được không?
Câu trả lời là: “Có!”. Quảng cáo hiển thị có thể đo lường được thông qua các chỉ số như tỷ lệ nhấp chuột (CTR), tỷ lệ chuyển đổi, số lần hiển thị, và ROI (lợi tức đầu tư).